spot_img
28.1 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpĐại diện Gỗ An Cường: Nghị quyết 68 Không chỉ là “cơn...

Đại diện Gỗ An Cường: Nghị quyết 68 Không chỉ là “cơn mưa rào” giải tỏa những khó khăn về vốn, mà còn là “đường băng” để DN cất cánh

Cũng theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường “mở cửa”, các DN tư nhân đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút dòng vốn tăng trưởng giá trị từ các quỹ đầu tư.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68, đây được xem là một bước ngoặt lịch sử, khi Nghị quyết này nâng cao vị thế của khu vực kinh tế tư nhân, xác định rõ ràng khu vực này là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Trong chia sẻ mới đây, bà Nguyễn Thị Diệu Phương – Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital – cho rằng Nghị quyết 68 tạo động lực mạnh mẽ để các quỹ đầu tư tăng cường rót vốn vào khu vực kinh tế tư nhân.

Theo bà,

Thứ nhất, Nghị quyết 68 tạo niềm tin mạnh mẽ cho doanh nghiệp (DN) tư nhân thông qua việc xóa bỏ “hình sự hóa các quan hệ kinh tế” và ưu tiên khắc phục hậu quả thay vì trừng phạt. Sự thay đổi này giảm rủi ro đáng kể, tăng niềm tin cho các quỹ đầu tư về khả năng sinh lời và thoái vốn an toàn.

Thứ hai, Nghị quyết mang đến các ưu đãi đột phá như chỉ định thầu, miễn giảm thuế phí, và cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo và sản xuất xanh. Những chính sách này không chỉ giúp DN tư nhân tự tin phát triển mà còn tạo động lực để các quỹ đầu tư đồng hành, cùng lớn mạnh với họ.

Thứ ba, các chương trình như “Go Global” hay “1.000 DN tiên phong” khuyến khích DN tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đổi mới sáng tạo. Điều này mở ra cơ hội cho các quỹ đầu tư tìm kiếm những DN vừa và nhỏ (SMEs) hoặc startup công nghệ có tiềm năng mở rộng quy mô.

Cuối cùng, mô hình hợp tác công-tư (PPP) được thúc đẩy mạnh mẽ, mở ra cánh cửa cho các quỹ đầu tư tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia về cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghệ cao.

Quỹ đầu tư trăn trở gì?

Dưới góc độ quỹ đầu tư, bà Phương cũng nhấn mạnh song hành cùng cơ hội là những thách thức không nhỏ cho các quỹ đầu tư. Việc chuyển hóa Nghị quyết thành các văn bản pháp luật rõ ràng, khả thi và được thực thi nhanh chóng vẫn là bài toán lớn.

Thực tế cho thấy, dù Trung ương và Chính phủ đã có chủ trương tháo gỡ khó khăn, nhiều dự án vẫn bị đình trệ ở cấp kỹ thuật tại các bộ, ngành và địa phương – đây là mối lo lớn nhất của các quỹ đầu tư.

Bên cạnh đó, sự ưu tiên cho khu vực tư nhân có thể thu hút làn sóng quỹ đầu tư trong và ngoài nước, dẫn đến cạnh tranh trong việc tìm kiếm DN tiềm năng.

Ngoài ra, các DN tư nhân cần đầu tư vào công nghệ và quản trị bền vững để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe từ Chính phủ và thị trường quốc tế. Điều này buộc các quỹ đầu tư phải chấp nhận chi phí ban đầu cao hơn và thời gian sinh lời dài hơn – một thách thức lớn khi quy mô ngành quỹ tại Việt Nam còn hạn chế , bà nói.

Riêng VinaCapital, quỹ đã rót vốn vào nhiều DN từ rất sớm nay đã trở thành những tập đoàn hàng đầu Kido (KDC), Hòa Phát (HPG), Sữa Quốc tế (IDP), Gỗ An Cường (ACG) … Theo bà Phương, các khoản đầu tư của VinaCapital không chỉ giúp DN mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng thị phần mà còn hiện đại hóa hệ thống quản trị, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững.

Thực tế chứng minh, năm 2007, Hòa Phát khởi công khu liên hợp sản xuất thép tích hợp tại Hải Dương với công suất 2,5 triệu tấn/năm thép xây dựng, nhờ nguồn vốn cổ phần 47 triệu USD (tương đương 5% vốn hóa thời điểm đó) từ quỹ VOF của VinaCapital. Đến năm 2024, Hòa Phát đã nâng công suất lên 8,5 triệu tấn/năm, khẳng định vị thế dẫn đầu ngành thép.

Gỗ An Cường: Nghị quyết 68 không chỉ là “cơn mưa rào” giải tỏa những khó khăn về vốn mà còn là “đường băng” để DN cất cánh

Hay Gỗ An Cường, đi từ một DN tư nhân trong ngành gỗ nội địa đã xuất được sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản. Năm 2016, Gỗ An Cường nhận được khoản đầu tư của quỹ thuộc VinaCapital cũng như các nhà đầu tư chiến lược, nhờ đó đủ nguồn lực để mở rộng đáng kể năng lực sản xuất.

Đại diện Gỗ An Cường chia sẻ: “ Nguồn vốn này đã giúp DN đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, chẳng hạn như dây chuyền sản xuất tự động hóa và các giải pháp công nghệ xanh. An Cường cũng mạnh dạn hơn để xây dựng các showroom mới, mở rộng mạng lưới phân phối và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu và tiếp cận các thị trường tiềm năng như Mỹ và Nhật Bản ”.

Trong bối cảnh DN tư nhân đứng trước bước ngoặt mang tên Nghị quyết 68, Gỗ An Cường khẳng định đây sẽ là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy các quỹ đầu tư rót vốn vào khối DN tư nhân tại Việt Nam.

“Với An Cường, một DN trong ngành gỗ có nhu cầu đầu tư vào công nghệ, mở rộng thị trường và phát triển bền vững, những chính sách này không chỉ giúp chúng tôi tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn mà còn tạo cơ hội thu hút các quỹ đầu tư quan tâm đến các doanh nghiệp có tiềm năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Nghị quyết 68 không chỉ là “cơn mưa rào” giải tỏa những khó khăn về vốn mà còn là “đường băng” để các DN như An Cường cất cánh, phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế”, đại diện An Cường nói.

Nhìn chung, trong bối cảnh thị trường “mở cửa”, các DN tư nhân đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút dòng vốn tăng trưởng giá trị từ các quỹ đầu tư. Với vô số lĩnh vực và DN tiềm năng đang chờ được ươm mầm, triển vọng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của hệ sinh thái kinh doanh là vô cùng rộng mở.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật