spot_img
31.1 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếBỏ kiểm duyệt, dồn tổng lực, siết Trung Quốc: Ông Trump ký...

Bỏ kiểm duyệt, dồn tổng lực, siết Trung Quốc: Ông Trump ký loạt sắc lệnh quyết đưa Mỹ dẫn đầu thế giới về AI

Tổng thống Donald Trump quyết tâm đưa Mỹ “dẫn đầu thế giới” trong cuộc đua công nghệ với Trung Quốc thông qua việc nới lỏng quy định với AI, mở rộng nguồn cung năng lượng và đảo ngược chính sách thời Biden.

Tổng thống Donald Trump hôm 23/7 đã ký một loạt sắc lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) tại Mỹ thông qua việc nới lỏng quy định và mở rộng nguồn cung năng lượng cho các trung tâm dữ liệu.

Bỏ kiểm duyệt, dồn tổng lực, siết Trung Quốc: Ông Trump ký loạt sắc lệnh quyết đưa Mỹ dẫn đầu thế giới về AI - ảnh 1
Tổng thống Trump giơ cao sắc lệnh hành pháp về trí tuệ nhân tạo (AI) mà ông đã ký tại Washington, DC, vào ngày 23/7/2025

“Từ ngày này trở đi, chính sách của Mỹ sẽ là làm mọi cách để dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo”, ông Trump tuyên bố tại sự kiện về AI do All-In Podcast và Hill and Valley Forum – một tổ chức gồm các lãnh đạo công nghệ và nhà lập pháp – tổ chức.

Tổng thống khẳng định: “Mỹ là quốc gia khởi đầu cuộc đua AI và với tư cách là Tổng thống Hoa Kỳ, tôi có mặt ở đây hôm nay để tuyên bố rằng chúng ta sẽ giành chiến thắng”.

Các sắc lệnh trọng tâm

Các sắc lệnh mới bao gồm: biện pháp giải quyết vấn đề năng lượng và cấp phép cho cơ sở hạ tầng AI; chỉ thị thúc đẩy xuất khẩu AI; và yêu cầu các mô hình ngôn ngữ lớn do chính phủ mua phải đảm bảo tính trung lập, không thiên vị.

Được công bố cùng ngày, Kế hoạch Hành động AI khuyến nghị cải tổ quy trình cấp phép và đơn giản hóa tiêu chuẩn môi trường để đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng AI. Kế hoạch cũng đề xuất cắt giảm ngân sách từ các bang áp đặt quy định nghiêm ngặt đối với công nghệ này.

Kế hoạch hướng tới việc biến công nghệ Mỹ thành nền tảng AI toàn cầu, đồng thời triển khai các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn các đối thủ như Trung Quốc giành lợi thế trong lĩnh vực này.

“Chiến thắng trong cuộc thi này sẽ là một bài kiểm tra năng lực của chúng ta, chưa từng có kể từ buổi bình minh của Kỷ nguyên Không gian,” ông Trump nhấn mạnh. “Nó sẽ thách thức chúng ta huy động toàn bộ sức mạnh và phát huy trí tuệ cùng quyết tâm của người Mỹ hơn bao giờ hết”.

Bản kế hoạch chi tiết được công bố hôm 23/7 đảo ngược những gì ông Trump mô tả là “cách tiếp cận nặng nề về luật lệ” dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden.

Tổng thống Trump đã hủy bỏ sắc lệnh năm 2023 của cựu Tổng thống Biden – vốn đặt ra yêu cầu kiểm tra an toàn nghiêm ngặt và bắt buộc các nhà phát triển AI lớn báo cáo minh bạch. Thay vào đó, ông yêu cầu lộ trình mới về chính sách AI và đặt thời hạn 6 tháng để ông David Sacks – chuyên gia AI của Nhà Trắng – xây dựng kế hoạch này.

Bỏ kiểm duyệt, dồn tổng lực, siết Trung Quốc: Ông Trump ký loạt sắc lệnh quyết đưa Mỹ dẫn đầu thế giới về AI - ảnh 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump (bên trái) và Cố vấn AI & Tiền điện tử của Nhà Trắng – ông David Sacks vào ngày 18/7/2025

Ông David Sacks – nhà đầu tư mạo hiểm và cựu CEO của Paypal – là một trong những tiếng nói có ảnh hưởng nhất của Nhà Trắng về chính sách công nghệ, cùng cố vấn AI cấp cao Sriram Krishnan và giám đốc chính sách công nghệ Michael Kratsios đã dành nhiều tháng thu thập ý kiến từ các lãnh đạo AI chủ chốt.

Theo khuyến nghị mới, chính phủ liên bang sẽ tham vấn doanh nghiệp và công chúng về các quy định hiện hành được cho là cản trở việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), với mục tiêu xem xét bãi bỏ những rào cản này. Văn phòng Ngân sách Nhà Trắng cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên bang giám sát nguồn tài trợ AI, cân nhắc áp đặt giới hạn nếu các quy định của tiểu bang bị cho là làm giảm hiệu quả của khoản hỗ trợ.

“Chúng ta cần một tiêu chuẩn liên bang duy nhất thay vì 50 khung quản lý khác nhau. Một chuẩn mực hợp lý có thể thay thế các quy định rời rạc hiện nay,” Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh.

Hướng dẫn mới kêu gọi chính phủ chỉ ký hợp đồng với các nhà phát triển AI có mô hình “không áp đặt định kiến tư tưởng”, đồng thời loại bỏ các yêu cầu về thông tin sai lệch, đa dạng, công bằng và biến đổi khí hậu khỏi khung quản trị rủi ro.

Nhà Trắng cũng bày tỏ lo ngại AI có thể định hình lại thị trường lao động, yêu cầu Bộ Giáo dục và Bộ Lao động ưu tiên đào tạo kỹ năng và hỗ trợ người lao động Mỹ. Ngoài ra, chính phủ đề xuất tăng đầu tư vào nghiên cứu lý thuyết, tính toán và thực nghiệm — dù trước đó đã cắt giảm ngân sách cho nhiều trường đại học nghiên cứu hàng đầu.

Ông Trump cho biết ông ủng hộ một cách tiếp cận “thường thức”, cho phép các mô hình AI thu thập thông tin mà không lo ngại vi phạm bản quyền, bất chấp những phản đối từ giới truyền thông và xuất bản rằng điều này có thể phá vỡ mô hình kinh doanh của họ.

Trong bài phát biểu, ông Trump cho rằng việc AI “đọc” và học từ nội dung trực tuyến giống như con người đọc sách báo – đây là quá trình tiếp thu kiến thức bình thường, không phải vi phạm bản quyền.

Cuộc đua công nghệ với Trung Quốc

Kế hoạch đề xuất ngăn chặn sự phát triển AI của Trung Quốc thông qua việc tăng cường kiểm soát xuất khẩu, bao gồm tích hợp các tính năng xác minh vị trí mới vào chip AI tiên tiến. Chính quyền cũng muốn thành lập cơ quan mới thuộc Bộ Thương mại để hợp tác với cộng đồng tình báo, nhằm giám sát phát triển AI và thực thi kiểm soát xuất khẩu chip.

Theo kế hoạch, Bộ Thương mại sẽ thu thập đề xuất từ ngành về các gói xuất khẩu AI toàn diện, cho phép các đồng minh được phê duyệt mua phần cứng, phần mềm, mô hình và ứng dụng đồng bộ. Các thỏa thuận được phê duyệt sẽ nhận hỗ trợ từ Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ, Ngân hàng Xuất nhập khẩu, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ cùng nhiều bên khác.

Các hướng dẫn được công bố hơn một tuần sau khi chính quyền Mỹ nới lỏng các hạn chế áp đặt hồi tháng 4 – vốn cấm các ông lớn công nghệ bán dẫn như Nvidia Corp. và Advanced Micro Devices Inc. (AMD) bán một số chip AI cho khách hàng tại Trung Quốc.

Việc nới lỏng hạn chế xuất khẩu là một phần của thỏa thuận thương mại đạt được với Trung Quốc hồi tháng 6, đổi lại Bắc Kinh nối lại xuất khẩu đất hiếm cho người mua Mỹ.

Cố vấn Nhà Trắng David Sacks và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick bảo vệ động thái này, cho rằng việc cấp phép Nvidia nối lại xuất xưởng chip H20 sẽ giúp Mỹ cạnh tranh tốt hơn ở nước ngoài và kìm hãm nỗ lực giành thị phần toàn cầu của Huawei Technologies.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump và các quan chức cũng nhấn mạnh tầm quan trọng việc đảm bảo lưới điện Mỹ có đủ năng lượng vận hành các trung tâm dữ liệu AI đang tiêu thụ lượng năng lượng khổng lồ. Theo quan điểm của họ, việc cung cấp điện đầy đủ gắn liền với an ninh quốc gia – yếu tố thiết yếu giúp Mỹ dẫn đầu các đối thủ cạnh tranh toàn cầu trong cuộc đua AI.

Kế hoạch khuyến nghị ổn định lưới điện hiện có và triển khai chiến lược nâng cao hệ thống truyền tải. Tài liệu cũng đề xuất ưu tiên kết nối các nguồn điện đáng tin cậy, có thể tháo rời và triển khai các nhà máy điện hạt nhân cùng địa nhiệt cải tiến để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến.

Tham khảo New York Times (NYT)

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật