spot_img
27.4 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngNở rộ nghề 'bác sĩ' chuyên sửa Labubu

Nở rộ nghề 'bác sĩ' chuyên sửa Labubu

Cơn sốt búp bê nhồi bông Labubu góp phần tạo nên làn sóng nghề nghiệp mới tại Trung Quốc là làm "bác sĩ đồ chơi".

Tại Thượng Hải, Trung Quốc, nam “bác sĩ đồ chơi” với biệt danh Heartman sửa chữa tới 100 con Labubu chỉ trong vòng một tháng đầu tiên làm việc. Nhu cầu tăng đột biến, anh phải nhờ vợ hỗ trợ và chuyển sang xưởng làm việc lớn hơn để đáp ứng số lượng đơn hàng.

Theo Heartman, chi phí sửa chữa chỉ chiếm khoảng 10% giá trị của một con búp bê Labubu. Nam “bác sĩ” cho rằng, mức giá này hợp lý so với việc mua mới con Labubu thông thường giá 14 USD (khoảng 364.000 đồng). Đó là chưa kể những phiên bản hiếm của Labubu có thể được rao bán với giá thành cao hơn rất nhiều.

Nở rộ nghề 'bác sĩ' chuyên sửa Labubu- Ảnh 1.

Nghề bác sĩ đồ chơi, chuyên sửa Labubu nở rộ tại Trung Quốc.

Với chất liệu vinyl và bộ lông mềm dễ rối, Labubu thường xuyên gặp phải các vấn đề như trầy xước, bong tróc, mất độ bóng… Trên mạng xã hội Trung Quốc, người hâm mộ đồ chơi không ngừng chia sẻ mẹo khắc phục lỗi và cách hồi sinh vẻ ngoài sáng bóng cho Labubu. Tuy nhiên, khi tự sửa không hiệu quả, họ tìm đến các “bác sĩ đồ chơi” chuyên nghiệp.

Heartman ví công việc này quan trọng như bác sĩ chữa bệnh và cứu người. Với nhiều người, Labubu không chỉ là đồ chơi mà là người bạn, kỷ vật hay thậm chí vật phẩm tinh thần có giá trị cao.

Nghề “bác sĩ đồ chơi” thực chất phổ biến tại Trung Quốc vài năm trở lại đây, khi nhiều người tìm đến họ để sửa các món đồ chơi cổ, đồ chơi gắn liền với tuổi thơ. Một số người thậm chí còn bỏ công việc chính để theo đuổi nghề này toàn thời gian.

Nở rộ nghề 'bác sĩ' chuyên sửa Labubu- Ảnh 2.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ cách sửa chữa Labubu trên mạng xã hội, được khán giả đón nhận.

Tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc một bác sĩ tên Cui vốn được đào tạo bài bản về mỹ thuật và sửa chữa thiết bị y tế. Tuy nhiên, anh lại khẳng định được tên tuổi nhờ khả năng chế tạo linh kiện mới cho các món đồ chơi Labubu. Những “bác sĩ đồ chơi” như Cui thường được đánh giá cao không chỉ vì kỹ năng mà còn vì sự am hiểu sâu sắc về cấu trúc và chất liệu của từng loại đồ chơi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng cảm với niềm đam mê này. Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người tỏ ra khó hiểu trước việc chi đống tiền để mua rồi lại tiếp tục chi tiền để sửa những con búp bê nhựa mềm như Labubu.

“Tôi không hiểu tại sao mọi người lại bỏ số tiền lớn để mua một món đồ chơi như thế, rồi lại chi thêm để sửa”, một người bình luận.

“Chất liệu Vinyl thì đâu thể bảo quản được lâu”, người khác góp ý.

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng: “ Có lẽ việc sửa vẫn rẻ hơn nhiều so với mua lại phiên bản y hệt”.

Dù còn nhiều tranh cãi, rõ ràng cơn sốt Labubu mở ra một thị trường ngách sôi động, nơi những người thợ thủ công có thể sống tốt nhờ sự yêu thích của công chúng dành cho những món đồ chơi nhỏ bé nhưng mang giá trị tinh thần.

Búp bê Labubu là nhân vật thuộc dòng sản phẩm The Monsters, được sáng tạo bởi nghệ sĩ Kasing Lung. Từ năm 2019, thương hiệu đồ chơi Trung Quốc Pop Mart bắt đầu hợp tác với Lung để sản xuất và phát hành dòng búp bê này.

Năm ngoái, The Monsters trở thành dòng sản phẩm ăn khách nhất của Pop Mart, mang về doanh thu kỷ lục khoảng 420 triệu USD (khoảng 11 nghìn tỷ đồng), tăng trưởng 726,6% so với năm trước đó.

Có nhiều lý do khiến Labubu trở thành hiện tượng. Trong đó, sự yêu thích của Lisa thành viên nhóm nhạc Hàn Quốc Blackpink với dòng búp bê này là cú hích truyền thông lớn nhất. Bên cạnh đó, theo nhà đầu tư Wei Zhe của Pop Mart, yếu tố dễ mang theo khiến Labubu được ưa chuộng, nhưng đồng thời cũng khiến chúng dễ bị hư hỏng hơn trong quá trình sử dụng.


spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật