spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpPAN Group bất ngờ dùng hơn chục nghìn tỷ đồng 'rẽ ngang'...

PAN Group bất ngờ dùng hơn chục nghìn tỷ đồng ‘rẽ ngang’ sang đầu tư chứng khoán

Với lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng 40% trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn PAN đã quyết định dành ra 10.576 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán kinh doanh.

Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (Mã chứng khoán: PAN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Số liệu cho thấy sự tăng trưởng tích cực của các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả vẫn là sự gia tăng khoản đầu tư tài chính của công ty.

Cụ thể tại ngày 30/6/2024, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của PAN đạt khoảng 11.077 tỷ đồng, tăng 52% so với số đầu năm.

Trong đó, đầu tư chứng khoán kinh doanh ghi nhận mức tăng từ 6.676 tỷ đồng đầu năm lên 10.576 tỷ đồng, tương đương tăng 58%. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về khoản đầu tư này chưa được công ty thuyết minh cụ thể.

PAN Group bất ngờ dùng hơn chục nghìn tỷ đồng 'rẽ ngang' sang đầu tư chứng khoán
BCTC quý II/2024 của Tập đoàn PAN

Quay trở lại với tình hình sản xuất kinh doanh của công ty, quý II/2024, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.378 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý, dù giá vốn hàng bán tăng nhưng vẫn chậm hơn biên độ tăng của doanh thu, điều này đã đẩy lợi nhuận gộp của công ty lên 690 tỷ đồng, tăng 27% so với quý II/2023. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính của PAN trong quý ghi nhận giảm nhẹ về mức 121 tỷ đồng.

Tập đoàn cho biết, xét riêng trong quý II, doanh thu lĩnh vực nông nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 26% so với cùng kỳ, trong khi lĩnh vực thủy sản và thực phẩm đóng gói tăng trưởng lần lượt 20% và 14%.

Động lực tăng trưởng của lĩnh vực thủy sản đến từ sự phục hồi đơn hàng xuất khẩu, cùng với tình hình lạm phát và sức mua được cải thiện tại các thị trường Mỹ, châu Âu.

Song song đó, Công ty Cổ phần Khử trùng Việt Nam (Mã chứng khoán: VFG) tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực nông nghiệp của tập đoàn, nhờ vào việc mở rộng thị phần thuốc bảo vệ thực vật.

Tại mảng thực phẩm đóng gói, Bibica ghi nhận những kết quả khả quan nhờ vào việc đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần đáng kể vào thành công chung của tập đoàn.

Tuy nhiên, các chi phí hoạt động của Tập đoàn PAN lại có xu hướng tăng, với chi phí bán hàng tăng 47% lên 278 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng nhẹ 7% lên 168 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Tập đoàn PAN ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 25,6% so với cùng kỳ, đạt 201 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2024 của Tập đoàn PAN cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng, với doanh thu thuần đạt 6.839 tỷ đồng, tăng 29% và lợi nhuận sau thuế đạt 369 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Với kế hoạch doanh thu 14.780 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 882 tỷ đồng đặt ra cho năm 2024, Tập đoàn PAN đã hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu và 23% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.

Thể hiện cam kết minh bạch, Tập đoàn PAN đã công khai thông tin chi tiết về mức thù lao của Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát và Ban Tổng Giám đốc trong quý II/2024. Cụ thể, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Trà My nhận được thù lao 560 triệu đồng/tháng, ông Nguyễn Duy Hưng 60 triệu đồng/tháng, trong khi các thành viên khác nhận 45 triệu đồng/tháng…

>>PAN Group (PAN) báo lãi tăng mạnh, khoản nợ 12.800 tỷ đồng có phải nỗi lo?

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây