Theo Cục Thống kê tỉnh Trà Vinh, 6 tháng đầu năm 2024 tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước tính tăng 10,27% so với cùng kỳ năm trước, tăng 27 hạng, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay của địa phương này.
Về cơ cấu kinh tế của tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,51%; công nghiệp và xây dựng tăng 22,15%; dịch vụ tăng 5,25%. Tổng thu ngân sách Nhà nước được 11.219 tỷ đồng, đạt 82,1% dự toán.
Ngoài ra, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã thu hút 9 dự án đầu tư, thành lập mới 266 doanh nghiệp. Tỉnh hiện có 383 dự án đầu tư còn hiệu lực. Trong đó có 38 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn gần 3 tỷ USD; 347 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 144.659 tỷ đồng.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, bổ sung nội dung “Nghiên cứu phát triển Trà Vinh thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước”. Đây là yếu tố tiên quyết, tạo điều kiện thuận lợi để Trà Vinh phát triển mạnh ngành sản xuất năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi, sản xuất hydrogen… trong thời gian tới.
Nội dung này được đưa ra dựa trên cơ sở pháp lý, tiềm năng và lợi thế của tỉnh Trà Vinh và vùng ĐBSCL như Quy hoạch Điện VIII, kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý các kiến nghị của UBND tỉnh Trà Vinh và Nhà máy Sản xuất hydrogen đầu tiên của Việt Nam đã được khởi công tại tỉnh Trà Vinh vào năm 2023.
>> Thu nhập bình quân đầu người ở tỉnh đông dân nhất Việt Nam cao hơn bình quân vùng Bắc Trung Bộ
Cụ thể, ngày 30/3/2023, tại tỉnh Trà Vinh, công ty TGS Trà Vinh Green Hydrogen đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất hydro xanh với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng. Đây là dự án sản xuất hydrogen có quy mô lớn nhất hiện nay và là dự án sản xuất hydrogen từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên được đầu tư tại Việt Nam.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Điện gió tại Trà Vinh đã và đang dự kiến tiếp tục đầu tư các dự án điện gió gần bờ, điện gió ngoài khơi và tiến hành thỏa thuận “mua bán điện” với đối tác Singapore, hiện đang chờ chủ trương của Chính phủ. Trên những cơ sở đó, các cơ quan chức năng đã xem xét kỹ lưỡng, thận trọng để trình bổ sung nội dung nêu trên và được Quốc hội thống nhất biểu quyết thông qua với tỷ lệ đồng thuận rất cao.
Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trần Quốc Tuấn nhấn mạnh, Nghị quyết về Quy hoạch Không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở pháp lý quan trọng giúp Trà Vinh đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước. Điều này giúp khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh Trà Vinh về nắng, gió và hydrogen – nguồn năng lượng mới, xanh, sạch, góp phần thúc đẩy phát triển tỉnh Trà Vinh trở thành trung tâm xuất khẩu năng lượng tái tạo của cả nước.
Ngoài ra, điều này cho thấy Việt Nam đang từng bước hiện thực hóa nội dung cam kết của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 giữa Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Cụ thể, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030.