Viện KSND Tối cao đã công bố cáo trạng giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Ở Giai đoạn này, Trương Mỹ Lan và những người liên quan bị điều tra về tội Rửa tiền, Vận chuyển tiền trái phép qua biên giới và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra xác định, từ 2012-2022, Tập đoàn VTP đã sử dụng 23 công ty trong đó có 12 công ty thành lập tại Việt Nam, 11 công ty thành lập tại nước ngoài, để thực hiện việc chuyển/nhận tiền.
Tổng cộng số tiền Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép qua biên giới là hơn 4,53 tỷ USD, tương đương hơn 106.730 tỷ đồng.
Điều tra dòng tiền cho thấy, nhóm Trương Mỹ Lan đã sử dụng 21/23 công ty, thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định với tổng số tiền hơn 1,51 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, có 21 công ty thực hiện 152 giao dịch nhận tiền từ nước ngoài về Việt Nam trái quy định với tổng số tiền hơn 3,02 tỷ USD.
Dòng tiền vận chuyển trái phép qua biên giới trong vụ Vạn Thịnh Phát |
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Lộ diện 3 nhân vật chủ chốt giúp Trương Mỹ Lan chuyển tiền qua biên giới
Có 3 nhân vật chủ chốt giúp sức Trương Mỹ Lan trong quy trình chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới là Trịnh Quang Công, Nguyễn Phương Anh và Chiu Bing Keung Kenneth.
Ở nước ngoài, Chiu Bing Keung Kenneth là người quản lý các công ty trong hệ thống. Ở trong nước, Nguyễn Phương Anh quản lý 3 công ty, và Trịnh Quang Công được giao theo dõi việc chuyển tiền đi/đến của 7 công ty, bao gồm Golden Hill, VinaLand, Capitaland Tower, Trade Wind, Eland, Công ty Đông Sài Gòn và công ty Thành Hiếu.
Trong nhóm công ty do Trịnh Quang Công quản lý và theo dõi, cái tên Thành Hiếu để lại nhiều ấn tượng nhất trong vụ án. Thành Hiếu là một hạt nhân quan trọng trong hệ sinh thái Phương Trang của đại gia Nguyễn Hữu Luận.
>> Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Lộ diện người chuyển gần 1,88 tỷ USD ra nước ngoài
Phương Trang của đại gia Nguyễn Hữu Luận được nhắc tới nhiều nhất ở mảng vận tải hành khách, đặc biệt là ở phía Nam, với hệ thống khoảng 2.000 đầu xe; mỗi ngày khoảng 1.000 chuyến xuất bến. Phương Trang còn được biết đến trong lĩnh vực chuyển phát nhanh, xe bus, giao nhận hàng hóa, và cả bất động sản…
Thành Hiếu xuất hiện ở giai đoạn 1 trong vai trò là một đối tác làm ăn của Trương Mỹ Lan. Còn ở giai đoạn 2 lại là đối tượng tham gia trong đường dây vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Bà Trương Mỹ Lan |
>> Vụ Vạn Thịnh Phát: Chiếm đoạt 445.748 tỷ đồng, Trương Mỹ Lan dùng vào những đâu?
CTCP Thương mại và xây dựng Thành Hiếu thành lập tháng 7/2003 do ông Nguyễn Hữu Luận làm Chủ tịch HĐQT. Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, mua bán vật liệu xây dựng.
Về hoạt động kinh doanh, Thành Hiếu là chủ đầu tư 3 dự án Golden Gate quận 7, dự án khu dân cư Thành Hiếu Long An và dự án khu tái định cư Thành Hiếu.
Ở giai đoạn 1 của vụ án, phía nhóm Phương Trang và Trương Mỹ Lan đã thống nhất chuyển nhượng cổ phần của công ty Thành Hiếu với giá 3.450 tỷ đồng. Theo lộ trình, Trương Mỹ Lan mới chuyển cho phía Phương Trang 1.200 tỷ đồng, còn bà Trương Mỹ Lan đã lấy 1 trong 3 dự án của Thành Hiếu, là Golden Gate quận 7, để thế chấp tại ngân hàng SCB vay tiền.
Khi vụ án xảy ra, dự án Golden Gate quận 7 bị kê biên. Trong bản án ngày 11/4 được TAND thành phố Hồ Chí Minh công bố, HĐXX chấp thuận phương án, phía Phương Trang phải chuyển trả bà Trương Mỹ Lan 1.200 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Khi thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, tài sản kê biên sẽ được giải tỏa.