spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhKhông phải Trung Quốc, đây mới là đối tác thương mại có...

Không phải Trung Quốc, đây mới là đối tác thương mại có thể chịu tác động lớn nhất nếu ông Trump thắng cử nhiệm kỳ 2

Bộ phận nghiên cứu của tờ The Economist đã xếp hạng mức độ ảnh hưởng đối với 70 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ nếu ông Trump thắng cử tổng thống nhiệm kỳ 2.
Không phải Trung Quốc, đây mới là đối tác thương mại có thể chịu tác động lớn nhất nếu ông Trump thắng cử nhiệm kỳ 2- Ảnh 1.

Nếu ông Donald Trump thắng cử nhiệm kỳ thứ 2 trong cuộc bầu cử tháng 11 tới, chính sách của Mỹ sẽ có những thay đổi lớn. Đảng Cộng hòa đã đề xuất một chương trình lớn nhằm trục xuất những người nhập cư không giấy tờ và tăng cường kiểm soát người nhập cảnh.

Các đối tác thương mại của Mỹ có thể phải chịu mức thuế quan cao hơn khi cựu tổng thống đã lên kế hoạch đánh thuế đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Viện trợ quân sự có thể đòi hỏi nhiều điều kiện hơn. Các đồng minh có thể buộc phải tăng chi tiêu cho quốc phòng.

Để giúp hiểu rõ hơn về những tác động toàn cầu nếu ông Trump thắng cử, Economist Intelligence Unit (EIU) – bộ phận nghiên cứu của tạp chí The Economist, đã tiến hành xếp hạng 70 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ theo mức độ tiếp xúc với các chính sách của ông Trump. Bảng xếp hạng “chỉ số rủi ro Trump” dựa trên mức độ tiếp xúc của các quốc gia với các chính sách của Mỹ về thương mại, an ninh và nhập cư.

Đứng đầu danh sách quốc gia có thể bị ảnh hưởng nhiều nhất là Mexico – đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, với 71 trên 100 điểm. Các quy định nhập cư thắt chặt hơn có thể ảnh hưởng đến hàng triệu người Mexico nhập cảnh vào Mỹ theo cả diện hợp pháp và bất hợp pháp.

Thâm hụt thương mại là mối quan tâm lớn của ông Trump. Mexico đã vượt qua Trung Quốc vào năm 2023 để trở thành nước xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ. Thâm hụt của Mỹ với Mexico đạt 152 tỷ USD vào năm 2023, tăng 37% kể từ năm 2020.

Vào năm 2026, Mexico, Mỹ và Canada sẽ thảo luận về việc có tiếp tục gia hạn hiệp định thương mại tự do giữa ba nước (USMCA) sau năm 2036 nữa hay không. Ông Trump đã ký USMCA, nhưng điều đó không đảm bảo rằng ông sẽ không hủy bỏ thỏa thuận hoặc sử dụng nó làm đòn bẩy để gây áp lực lên Mexico, đặc biệt là khi xem xét đến quan hệ thương mại của nước này với Trung Quốc.

Năm quốc gia Mỹ Latinh lọt vào top 10, trong đó Costa Rica và Panama lần lượt đứng thứ 2 và 5, vì chi tiêu ít cho vũ khí và quốc phòng cũng như phụ thuộc vào viện trợ quân sự của Mỹ. Cộng hòa Dominica, El Salvador và Honduras xếp hạng cao vì dễ bị tổn thương trước các chính sách nhập cư chặt hơn. Kiều hối từ Mỹ chiếm từ 8-23% GDP của 3 nước này.

Đức xếp thứ ba, cao nhất trong số các đồng minh NATO. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump muốn rút hơn 12.000 quân Mỹ khỏi Đức và chỉ trích nước này chi tiêu ít cho quốc phòng (các thành viên NATO thường chi ít nhất 2% GDP). Trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump có thể đe dọa cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm gây sức ép buộc các đồng minh tăng chi tiêu quốc phòng.

Trung Quốc xếp hạng cao nhất trong số các quốc gia ở châu Á và đứng thứ 6. Ông Trump đã tiến hành cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu tiên. Và giờ đây, ông ám chỉ muốn tách Mỹ khỏi Trung Quốc một cách quyết liệt hơn, đồng thời đe dọa sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa từ nước này.

Các quốc gia ít phụ thuộc vào Mỹ đứng thứ hạng thấp nhất. Ả Rập Saudi được chấm dưới 10 điểm trên 100 do ngày càng bớt phụ thuộc vào thương mại với Mỹ (trừ việc mua vũ khí). Australia cũng xếp hạng thấp vì nước này đã xây dựng được mối liên kết thương mại chặt chẽ hơn với các quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Nga – quốc gia đã ngừng hầu hết các hình thức thương mại với phương Tây, xếp thứ 63 trong bảng xếp hạng.

Tuy nhiên, ông Trump có thể gặp khó trong việc áp dụng các chính sách cực đoan nhất của mình. Rất nhiều thành viên Đảng Cộng hòa phản đối thuế quan. Các biện pháp hạn chế nhập cư sẽ vấp phải sự phản đối từ tòa án, đảng Dân chủ và các doanh nghiệp. Về an ninh quốc tế, một số người lo ngại rằng trong nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump cũng sẽ muốn rời khỏi NATO hoặc làm suy yếu đáng kể liên minh quân sự này.

Theo The Economist

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây