spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpĐằng sau kỳ tích của Viettel bên ngoài Việt Nam

Đằng sau kỳ tích của Viettel bên ngoài Việt Nam

Viettel có lịch sử 35 năm phát triển, hành trình vươn ra thế giới chiếm gần một nửa trong thời gian đó. Từ những bước đi can đảm đầu tiên, người Viettel đã luôn trung thành với cách làm của người lính: không chùn bước, làm đến tận cùng, bất chấp mọi bất ổn kinh tế, chính trị bủa vây.

15 năm về trước, Viettel vừa là mạng di động “trẻ” nhất Việt Nam, vừa là doanh nghiệp viễn thông Việt đầu tiên bước ra ngoài quốc tế, với sự kiện khai trương hai nhà mạng tại Lào và Campuchia trong cùng năm 2009. 

Trong mắt số đông, quyết định ấy vừa khó hiểu vừa liều lĩnh. Khó hiểu vì Viettel chưa lớn mạnh, còn rất nhiều thứ để phát triển trong nước, tiền đầu tư xây dựng mạng lưới còn đang trả chậm. Liều lĩnh vì thị trường nước ngoài chắc chắn là “miếng bánh khó xơi” bởi một loạt rào cản mang tên văn hóa, pháp lý, bất ổn chính trị, khó khăn kinh tế ở nước sở tại. 

Đằng sau kỳ tích của Viettel bên ngoài Việt Nam- Ảnh 1.

Campuchia là thị trường quốc tế đầu tiên của Viettel với thương hiệu Metfone.

Thực tế, đúng như vậy, Viettel đã đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải khi mở rộng phạm vi kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhưng không chỉ dừng lại ở hai nước láng giềng, đến giờ, hành trình “bơi ra biển lớn” đã có nhiều thị trường quốc tế khác, gồm: Myanmar, Đông Timor, Peru, Haiti, Tanzania, Burundi, Mozambique, Cameroon.  

Lời giải cho thành công đằng sau có thể gói gọn trong 4 chữ “cách làm người lính”. Nguồn gốc từ quân đội, người Viettel mang phẩm chất đặc trưng của nhà lính: tính kỷ luật cao, tinh thần quyết liệt, đã ra quân là chiến thắng. 

Không có khái niệm lùi bước

Cách làm của người lính chính là tâm thế luôn tiên phong, quyết đoán, kiên định, làm gì cũng làm đến cùng. Từ đó, người Viettel luôn sẵn sàng nhận việc mới, dám nhận việc khó, chưa có tiền lệ. Những con người Viettel đi ra thế giới đã nhanh chóng thích ứng với môi trường khắc nghiệt tại nhiều nơi để biến khó khăn thành cơ hội.

Nói như ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel) từng chia sẻ: “Khi bắt đầu kinh doanh di động, tình hình kinh doanh trong nước của Viettel còn ngổn ngang, nhưng cũng là doanh nghiệp lớn rồi. Nếu cứ chỉ ở trong nước thì không mạnh lên được, mà phải ra nước ngoài, có những đối thủ mạnh để mình giỏi lên”.

Đằng sau kỳ tích của Viettel bên ngoài Việt Nam- Ảnh 2.

Viettel với thương hiệu Natcom, đã trở thành đối tác chiến lược của chính phủ Haiti trong công cuộc tái kiến thiết và phát triển đất nước.

Hành trình của Viettel tại Haiti thường được nhắc đến với câu chuyện “từ thảm họa đến kỳ tích”, khi trận động đất khủng khiếp năm 2010 tại Haiti không thể cản bước người Viettel đầu tư vào quốc gia châu Mỹ này.

Trước đó vài tháng, Viettel quyết định thành lập nhà mạng Natcom ở Haiti. Và khi quốc gia này còn ngổn ngang trong đống đổ nát, 80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy, hơn 300.000 người thiệt mạng, Viettel chọn ở lại – một quyết định đi ngược với số đông nhà đầu tư nước ngoài ở Haiti lúc đó. 

Một năm sau đó, Natcom chính thức khai trương dịch vụ, sau khi xây dựng mạng lưới cáp quang phủ 90% dân số Haiti, với gần 3.000km cáp quang phủ đến cấp huyện, gấp 20 lần số cáp quang Haiti có trước động đất. Từ một đất nước chịu thiệt hại nặng nề sau thảm họa, Haiti thành quốc gia có hạ tầng cấp quang lớn nhất khu vực Carribean.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Haiti – ông Haiti Michel Presume cảm động gửi lời: “Xin cảm ơn các bạn vì đã nỗ lực tái thiết Haiti”, còn Viettel trở thành đối tác chiến lược của chính phủ Haiti trong công cuộc tái kiến thiết và phát triển đất nước.

Bền bỉ suốt hơn một thập kỷ, năm 2023, người Viettel đưa Natcom vươn lên vị trí số 1 tại Haiti trong bối cảnh nước này là điểm nóng của bất ổn chính trị, tình hình an ninh, xã hội nhiều nguy hiểm. Một lần nữa, người Viettel ở Haiti vẫn kiên cường bám trụ, ứng cứu thông tin kịp thời, duy trì bán hàng ở nhiều vùng bất ổn, không để mạng lưới bị đứt liên lạc trong lúc vẫn đảm bảo an toàn cho tất cả nhân viên. Tố chất người lính ăn sâu trong máu đã rèn luyện nên một bản lĩnh “thép”. 

Những bước chân không biết mệt mỏi 

“Hơn cả một nhà mạng” là nhận xét của Tổng thư ký Đảng cầm quyền Frelimo của Mozambique, ông Roque Silva Samuel khi nói về thương hiệu Movitel (Viettel Mozambique). 

Nhận định đó dựa trên cơ sở những đóng góp của Viettel khi nỗ lực phổ cập viễn thông di động ở nông thôn nước này – điều mà những nhà mạng quốc tế có mặt trước đó không muốn thực hiện.

Đằng sau kỳ tích của Viettel bên ngoài Việt Nam- Ảnh 3.

Movitel (thương hiệu của Viettel tại Mozambique) vừa vươn lên vị trí số 1 về thị phần vào tháng 5/2024.

Tại tất cả quốc gia đầu tư, với triết lý “hạ tầng đi trước, kinh doanh theo sau”, Viettel chú trọng xây dựng một hạ tầng bền vững rộng khắp với công nghệ tiên tiến. Các công ty của Viettel là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc phổ cập viễn thông, mang đến công nghệ tiên tiến giúp cho người dân ở mọi tầng lớp đều có thể tiếp cận dịch vụ.

“Những đóng góp của Movitel với Mozambique không chỉ dừng lại ở việc cung cấp một hạ tầng viễn thông, kết nối con người mà còn là phương tiện để phát triển kinh tế và phát triển con người”, ông Roque Silva Samuel bày tỏ. 

Sau 12 năm kinh doanh, Movitel là nhà mạng có hạ tầng rộng nhất, phủ sóng sâu nhất. Tháng 5/2024, nhà mạng này đã trở thành thương hiệu viễn thông có thị phần lớn nhất Mozambique với số thuê bao vượt 11,7 triệu. 

Nhưng chưa hết, người Viettel còn được yêu mến bởi tinh thần lăn xả, hết lòng giúp đỡ người dân sở tại. Năm 2019, ông Sobamento, Chủ tịch xã 4, (huyện Chokwe, tỉnh Gaza), từng tận mắt chứng kiến người Viettel trên những chiếc canô, ngược dòng người di tản, đi sâu vào rốn lũ khi Mozambique trải qua siêu bão Idai để duy trì phát sóng các trạm BTS, đảm bảo kết nối thông tin cho những vùng bốn bề bị chia cắt.

Đứng vững giữa muôn vàn bất ổn

Tính kỷ luật, dám đương đầu với việc khó chính là tinh thần xuyên suốt của người Viettel kể từ khi tiến ra nước ngoài. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của Viettel ở quốc tế. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng nhận xét: “Viettel là đơn vị kinh doanh nhưng là những người lính, khả năng chịu đựng, vượt thử thách rất lớn”.

Suốt 15 năm, các biến động chính trị, kinh tế bất ổn, dịch bệnh, thiên tai vẫn xuất hiện thường xuyên, nhưng Viettel vẫn vững vàng, thậm chí vươn xa, không chỉ ở Haiti hay Mozambique. 

Đằng sau kỳ tích của Viettel bên ngoài Việt Nam- Ảnh 4.

Lumitel là thương hiệu vươn lên thị phần số 1 nhanh nhất của Viettel ở nước ngoài – chỉ sau 6 tháng kinh doanh.

Tại Burundi – quốc gia nghèo nhất thế giới, Lumitel của Viettel vươn lên thị phần số 1 chỉ sau có 6 tháng kinh doanh khi mà các nhà mạng khác rút khỏi nước này bởi tình hình binh biến. Tại Myanmar, sau khi lập những kỷ lục tăng trưởng về thuê bao ở thị trường quốc tế lớn nhất của Viettel (trong số 10 thị trường nước ngoài), Mytel cũng đã vươn lên vị trí số 1 tại đây khi vượt qua cả bất ổn về chính trị, lẫn dịch bệnh. 

Như lời ông Lê Đăng Dũng, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel từng nói: “Nếu vững vàng trong khó khăn, khi mọi thứ trôi qua, đương nhiên chúng ta sẽ thành công nhất. Viettel đã biến mọi khó khăn thành lợi thế”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây