Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ngày 4/6, các đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm về các phiên livestream doanh thu tới hàng trăm tỷ đồng.
Những ngày gần đây, mạng xã hội cũng dậy sóng về những phiên livestream này. Ngay trong ngày hôm nay (5/6), gia đình Quyền Leo Daily (đã từng đạt doanh thu 100 tỷ đồng trong phiên livestream ngày 5/5) lại tiếp tục với phiên livestream 150 tỷ đồng.
Ngay từ khi bắt đầu livestream (10h), số lượng người xem đã liên tục tăng mạnh. Ở thời điểm hiện tại (17h) đang có khoảng 32,5 nghìn người xem, con số này vẫn giữ vững và không có sự thay đổi quá đáng kể, doanh thu đã đạt 35 tỷ đồng.
Cộng đồng mạng đại đa số bày tỏ niềm vui, dành những lời khen và chúc mừng gia đình này, song nhiều người cũng bày tỏ sự băn khoăn về doanh thu mà phiên livestream này đạt được.
Trên nghị trường Quốc hội, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa – Đoàn Phú Yên – khẳng định, hàng trăm tỷ đồng doanh thu từ một phiên livestream là con số rất lớn. Ông Nghĩa đặt câu hỏi làm thế nào để quản lý được chất lượng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng? Hơn hết là giá bán qua các sàn thương mại điện tử, qua livestream lại rẻ hơn giá bán thông qua các đại lý đang gây bất ổn và hoang mang trên thị trường về hàng thật, hàng giả.
Thông tin về các phiên livestream doanh thu trăm tỷ là có thật, băn khoăn của cộng đồng mạng và các đại biểu Quốc hội cũng rất xác đáng. Do vậy, để có câu trả lời chính xác thì cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, nói về các phiên livestream doanh thu 100 – 200 tỷ đồng, lãnh đạo TikTok Việt Nam lại khẳng định, trên TikTok Shop với sự hỗ trợ của công nghệ, đã có những phiên livestream có 350.000 người cùng xem vào một thời điểm.
“Trung bình những phiên livestream đó có khoảng 5-20 triệu người xem. Giả sử, một phiên livestream 10 triệu người xem mà chỉ 1% người mua thì đã có 100.000 đơn hàng. Do đó, doanh thu 100 – 200 tỷ đồng không phải là con số lớn”, ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc TikTok Việt Nam chia sẻ.
Hơn nữa, ông Thanh cho biết, với các phiên livestream này, các nhãn hàng và nền tảng cũng có sự hỗ trợ về traffic, voucher, giá hàng hóa tốt hơn hẳn so với bình thường nên tỷ lệ hoàn thành đơn hàng cũng cao hơn.
Đại diện TikTok Việt Nam cũng nêu quan điểm về việc thất thu thuế khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Theo đó, tất cả người bán trên các sàn thương mại điện tử đều được xác nhận bởi cơ quan chức năng và đều phải đăng ký mã số thuế, tài khoản ngân hàng gắn với căn cước công dân.
“Chính vì vậy, không có chuyện người bán hàng trốn thuế, hay dùng nhiều tài khoản để chuyển tiền và trốn thuế. Thậm chí, TikTok Shop đã tạm ứng thuế thu nhập cá nhân người bán hàng ở mức 10%” – Giám đốc TikTok Việt Nam khẳng định; đồng thời cho biết, việc thu thuế trên các sàn thương mại điện tử chắc chắn hơn nhiều so với việc thu thuế trên nền tảng thương mại điện tử không qua sàn như các hội nhóm, mạng xã hội.
Còn về vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, các sàn đã có chính sách cụ thể. Tại TikTok Shop, không chỉ hàng giả, hàng nhái, mà nếu khách hàng cảm thấy không hài lòng về sản phẩm hay chứng minh được người bán hàng bán sai sản phẩm so với quảng cáo, thì trong vòng 72 giờ, TikTok sẽ xử lý.
“Thông thường, sẽ trả ngay tiền cho người mua 100 – 200% và sau đó nền tảng sẽ làm việc lại với người bán hàng. Do đó, quyền lợi của người tiêu dùng được bảo đảm hơn hẳn so với việc mua offline” – ông cho biết.
Thông tin về việc quản lý hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử nói chung và hoạt động livestream nói riêng trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để quản lý được hoạt động này, không chỉ là trách nhiệm của ngành Công Thương mà còn là trách nhiệm của rất nhiều ngành khác như Thông tin và Truyền thông, Tài chính…
Vì vậy, giải pháp tốt nhất, trước hết là phải có sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan. Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra, kiểm soát và xử lý; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phát hiện, đấu tranh làm rõ những hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm mà đối tượng tập kết hàng hóa, thường xuyên giao dịch, trao đổi.
Ngoài ra, cần có sự chia sẻ thông tin trong quản lý giữa các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý sai phạm, đặc biệt là chống thất thu thuế trong môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, do các hoạt động này biến hóa khôn lường, các quy định pháp luật hiện nay cần tiếp tục được rà soát để sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Bởi đây là lĩnh vực mới, không chỉ ở Việt Nam mà các quốc gia trên thế giới đều gặp phải.
“Tại Việt Nam, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, quy mô thương mại hiện tại khoảng 21 tỷ USD và sẽ còn phát triển nữa trong tương lai. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục rà soát, sửa đổi bổ sung chính sách hiện nay” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng, phải phát huy vai trò của hệ thống chính trị và vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc xem xét xử lý ban đầu những xung đột lợi ích có thể xảy ra trong lĩnh vực này.
“Trong trường hợp chứng minh được những hành vi vi phạm pháp luật, sẽ có hình thức xử lý như xóa vĩnh viễn những trang này, hoặc yêu cầu những chủ phòng livestream phải chịu trách nhiệm trước pháp luật bởi những hành vi vi phạm của mình”, Bộ trưởng nêu rõ.