Theo đó, Thống đốc NHNN đã bổ nhiệm ông Nguyễn Ngọc Minh – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước thuộc NHNN kể từ ngày 01/6/2024. Thời hạn giữ chức vụ của ông Nguyễn Ngọc Minh là 05 năm kể từ ngày được điều động, bổ nhiệm.
Phát biểu tại Lễ công bố, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đánh giá, là cán bộ được đào tạo bài bản chính quy ở trong nước và nước ngoài, đã trải qua nhiều vị trí công tác tại NHNN, trong đó có thời gian gắn bó lâu dài với công tác quản lý ngoại hối, Phó Thống đốc mong muốn và tin tưởng rằng, thời gian tới, đồng chí Minh sẽ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường, kinh nghiệm, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của mình để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ Ban Lãnh đạo NHNN giao.
Trước đó, ngày 2/11/2023, Thống đốc NHNN cũng đã có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Sở Giao dịch NHNN, giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Thời hạn giữ chức vụ của ông Nguyễn Vân Anh là 5 năm kể từ ngày được điều động, bổ nhiệm.
Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là đơn vị mới được thành lập vào cuối năm 2022. Trước đó, NHNN chỉ có 2 đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là Vụ Quản lý ngoại hối (thực hiện quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước) và Sở Giao dịch (thực hiện các nghiệp vụ cụ thể về dự trữ ngoại hối nhà nước).
Theo NHNN, do quy mô dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng cao trong những năm gần đây, khiến khối lượng công việc tác nghiệp tại Sở Giao dịch trở nên quá tải do sự gia tăng của lượng tài sản cần quản lý, gây áp lực công việc lên lực lượng công chức. Đồng thời, tình hình thị trường tài chính quốc tế trong những năm gần đây và dự kiến trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
NHNN cho biết, quản lý dự trữ ngoại hối là nhiệm vụ rất quan trọng của Ngân hàng Trung ương vì dự trữ ngoại hối đảm bảo khả năng thanh toán của quốc gia trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tiền tệ và được dùng để can thiệp thị trường ngoại tệ trong nước theo các mục tiêu của chính sách tiền tệ quốc gia. Đồng thời, quản lý dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương bao gồm nhiều nhiệm vụ khác nhau đòi hỏi có kiến thức chuyên môn cao, như nghiệp vụ đầu tư trên thị trường quốc tế, quản lý danh mục đầu tư, quản lý rủi ro và thanh toán quốc tế, hạch toán kế toán…
Khi quy mô dự trữ lớn, hầu hết các Ngân hàng Trung ương sẽ chuyển sang mô hình quản lý tập trung thành lập một đơn vị độc lập trong tổ chức bộ máy của Ngân hàng Trung ương để chuyên trách thực hiện công tác quản lý dự trữ ngoại hối. Do vậy, việc từng bước chuyển đổi sang phương thức quản lý mới, Ngân hàng Nhà nước cần có một đơn vị mới độc lập chuyên trách về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước.