spot_img
32 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhChính sách tiền tệ khó đảo chiều

Chính sách tiền tệ khó đảo chiều

(ĐTCK)  Dù mặt bằng lãi suất gần đây tăng một phần do áp lực tỷ giá, nhưng chính sách tiền tệ khó đảo chiều đột ngột khi chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ưu tiên giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Không thắt chặt đột ngột

Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm của nhiều ngân hàng gần đây cho thấy, lãi suất tiết kiệm đã thoát “đáy”, do đã giảm xuống sâu trước đó. Việc lãi suất giảm sâu khiến dòng tiền nhàn rỗi không còn mặn mà với kênh tiết kiệm ngân hàng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 25/3/2024, huy động vốn (gồm dân cư và tổ chức) của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với đầu năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng gần 1,2%. Trong khi đó, tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương trở lại từ tháng 3 (đến cuối quý I/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 1,4%, sau khi âm 2 tháng đầu năm 2024).

Thực tế, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã xuống khá sâu, kỳ hạn 1 – 3 tháng chỉ còn 1 – 2%/năm. Vì thế, để chuẩn bị thanh khoản đón đầu nhu cầu vốn thường cải thiện vào các quý cuối năm, các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động. Ngoài ra, một khi lãi suất giảm mạnh sẽ tác động lên tỷ giá, khiến áp lực tỷ giá gia tăng và thực tế, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 5%, bằng với dự báo cả năm. Đó cũng là lý do nhà điều hành mạnh tay hút tiền trong lưu thông thời gian vừa qua để giảm áp lực tỷ giá.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng tăng vọt, phát tín hiệu về cầu thanh khoản trong hệ thống. Cụ thể, lãi suất qua đêm từ mức 0,1%/năm vào cuối tháng 3/2024 đã leo lên mức 4,9%/năm vào ngày 17/4/2024, sau đó hạ nhiệt và duy trì quanh vùng 4,22%/năm trong tuần giữa tháng 5/2024. Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh chủ yếu do NHNN đã hút ròng khoảng 58.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống trong giai đoạn từ ngày 1/4 – 3/5/2024 và cầu tín dụng có xu hướng quay trở lại.

Dù NHNN hút tiền trong lưu thông qua phát hành tín phiếu để giảm áp lực cho tỷ giá, nhưng nhiều khả năng, tỷ giá còn nóng thời gian tới, nhất là vào mùa kinh doanh cuối năm. Trong khi đó, hiện không chỉ có các yếu tố bên ngoài tác động lên tỷ giá như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa sớm cắt giảm lãi suất vì lạm phát còn cao, mà còn có yếu tố bên trong như biến động của giá vàng. Theo đó, sức nóng của giá vàng thế giới tác động lên giá vàng trong nước, thêm vào đó, trên thị trường vàng Việt Nam, cung khan hiếm nên chênh lệch giá lên đến hàng chục triệu đồng so với giá thế giới. Vì thế, khó có thể loại trừ được nguồn vàng không chính ngạch vào thị trường, mà để nhập vàng thì các đối tượng sẽ huy động nguồn USD trên thị trường tự do, gây áp lực lên tỷ giá tự do, qua đó tác động lên tỷ giá ngân hàng. Vì thế, theo người viết, giải pháp để có thể ổn định thị trường vàng, giảm áp lực lên tỷ giá là nên xem xét cho nhập một lượng vàng chính ngạch trong hạn mức cho phép.

Việc NHNN phát hành tín phiếu hút tiền về nhằm giảm áp lực tỷ giá cũng gửi tín hiệu đến thị trường rằng, chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại, nhưng không đột ngột, vì chủ trương của Chính phủ và NHNN là duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời cơ quan điều hành chính sách cũng đã đúc rút được kinh nghiệm trước đây.

Lãnh đạo NHNN cũng đã đưa ra thông điệp cụ thể: “Hiện tại và trong thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì lãi suất điều hành hợp lý, đặc biệt không hy sinh tỷ giá vì lãi suất”.

Lãi suất huy động khó tăng cao

Việc NHNN phát hành tín phiếu hút tiền về nhằm giảm áp lực tỷ giá cũng gửi tín hiệu đến thị trường rằng, chính sách tiền tệ không nới lỏng quá mạnh và sẽ thu hẹp lại, nhưng không đột ngột, vì chủ trương của Chính phủ và NHNN là duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Như thông tin đã đề cập ở trên, để chuẩn bị đón đầu cầu vốn tăng, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi, song theo người viết, mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ khó tăng cao, ít nhất từ nay đến quý III/2024 và mức tăng cũng chỉ khoảng 1%.

Thông thường, khi lãi suất tiết kiệm tăng thì lãi suất cho vay sẽ tăng, nhưng trong bối cảnh hiện nay, lãi suất cho vay khó tăng trở lại, bởi để kích cầu dòng chảy tín dụng, các ngân hàng phải cạnh tranh về lãi suất cho vay, trong đó không ít ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn huy động vốn ở kỳ hạn dài. Ngoài ra, chủ trương của Chính phủ và NHNN yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ, chia sẻ cùng khách hàng trong bối cảnh khó khăn. Vì thế, trong lúc này, khả năng nhà điều hành sẽ cân nhắc việc không đánh đổi lãi suất để cứu tỷ giá.

Về tăng trưởng tín dụng, tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm nay chủ yếu do tính chất mùa vụ, trùng với thời gian nghỉ Tết Nguyên đán và do dư nợ đã tăng cao trong quý trước đó. Thường nhu cầu vốn của khách hàng sẽ tăng trở lại từ quý II và cải thiện dần các quý sau đó, nhất là vào đầu quý IV do vào mùa kinh doanh cao điểm. Tín dụng hiện nay đang dần đẩy ra, qua tăng trưởng của các ngân hàng và kỳ vọng sẽ cải thiện dần trong các tháng tới, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, khả năng cao tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không đạt 15%, chỉ đạt được 10 – 11%, do kinh tế đang phục hồi chậm, nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp chưa cao, vì sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, tuy nhu cầu vốn vay mua nhà, tiêu dùng luôn có và tăng cao, nhất là với cho vay mua nhà, song thu nhập bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn nên chưa nhiều người dám nghĩ đến việc vay vốn mua nhà, cho dù lãi suất đã giảm.

Về nợ xấu, theo người viết, nợ xấu ngân hàng dự báo sẽ đạt đỉnh vào quý II và quý III/2024, sau đó khả năng sẽ giảm. Tuy nhiên, nợ xấu còn phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế, nếu kinh tế hồi phục nhanh, sức khỏe doanh nghiệp cải thiện, nợ xấu ngân hàng sẽ giảm. Ngược lại, kinh tế hồi phục chậm, nợ xấu ngân hàng sẽ bùng phát, do khả năng trả nợ của doanh nghiệp giảm.

Bên cạnh đó, cho dù Thông tư 02/2023/TT-NHNN đã được NHNN gia hạn thêm 6 tháng, tức đến hết năm 2024, nhưng khi hết hạn, nếu doanh nghiệp không trả được nợ thì nợ xấu sẽ tăng cao và lúc đó, khả năng sẽ còn gia hạn tiếp để giải quyết bài toán nợ xấu, khơi dòng tín dụng.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật