7 giờ sáng mỗi ngày, trung tâm thu gom sữa do nhà nước quản lý tại ngôi làng Mekaguda này sẽ bận rộn đón nông dân chăn nuôi bò sữa đến để gửi kho sữa thô. Đây là một trong những nơi sản xuất sữa hàng đầu của quận; thu gom hơn 4.000 lít mỗi ngày.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chăn nuôi bò sữa trở nên kém sinh lợi. Chi phí tăng cao do tình trạng thiếu thốn lao động và đất màu mỡ.
“Dân làng đang chuyển sang làm việc tại các nhà máy với tư cách là công nhân hưởng lương theo ngày”, Mohammed Haneef, một nông dân 50 tuổi nói chuyện với Rest of World. “Tôi hiện đang điều hành một cửa hàng sửa lốp và tạp hóa để nuôi 3 đứa con”.
Không chỉ dừng lại ở những lắng lo xoay quanh kế sinh nhai, những nông dân chăn nuôi bò sữa như Haneef còn có 1 mối e ngại khác: gã khổng lồ của Thung lũng Silicon Microsoft chọn Mekaguda là nơi xây trung tâm dữ liệu. Theo công ty, tính đến tháng 7 năm nay, 70% kế hoạch đã hoàn thành.
Dân địa phương không thích điều đó. Họ đệ đơn kiện Microsoft và 35 công ty, cơ quan chính phủ khác lên Tòa án tối cao Telangana; cho rằng Microsoft đã chiếm dụng đất bất hợp pháp và đổ chất thải công nghiệp vào một hồ nước gần đó. Ngành công nghiệp địa phương gây ô nhiễm môi trường, sau đó tổn hại gia súc và sinh kế của rất nhiều gia đình.
“Những công ty lớn này nghĩ rằng họ có thể xâm nhập những ngôi làng nhỏ như làng của chúng tôi, chiếm đất của chúng tôi và phá hủy nó. Xây dựng bất cứ thứ gì họ muốn, ở bất cứ nơi nào họ muốn”, người đứng đầu làng Chinthalapally Pandu Ranga Reddy nói với Rest of World. “Toà nhà nên bị phá bỏ”.
Đáp lại, Microsoft cho biết không có hồ nước lớn đáng kể nào trong bán kính 15 km tính từ khu vực xây dựng. Công ty cũng tuân thủ mọi yêu cầu của địa phương và có giấy phép cần thiết từ các sở ban ngành.
“Microsoft cam kết xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu một cách có trách nhiệm, vì lợi ích của cộng đồng”, một phát ngôn viên của công ty cho biết. “Chúng tôi thiết kế các trung tâm dữ liệu để tiết kiệm nước và năng lượng hết sức có thể, đồng thời quan tâm đến hệ sinh thái địa phương bằng các dự án phục hồi và phát triển nguồn cung cấp năng lượng tái tạo”.
Mekaguda chỉ là một phần trong kế hoạch Microsoft nhằm tạo ra một trung tâm dữ liệu siêu lớn tại tiểu bang Telangana. Theo các báo cáo địa phương, trung tâm dữ liệu này sẽ là 1 trong 6 cơ sở được phát triển trong 15 năm tới.
Theo công ty tư vấn bất động sản CBRE, Ấn Độ đã nhận được khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu cao thứ hai tại Châu Á, chỉ sau Trung Quốc. NTT Data của Nhật Bản — một trong những nhà điều hành trung tâm dữ liệu lớn nhất thế giới — có 18 cơ sở tại Ấn Độ.
Cuộc đua tranh giành các trung tâm dữ liệu như thế đang gây áp lực lên môi trường bởi trung bình 1 cơ sở sẽ tiêu thụ từ 3 đến 5 triệu gallon nước mỗi ngày, tương đương lượng nước cho 30.000 đến 50.000 người sử dụng. Đây là gánh nặng đáng kể tại một quốc gia như Ấn Độ, nơi vốn phải chịu ảnh hưởng từ các đợt nắng nóng và khan hiếm nước.
Vào ngày 1 tháng 7, đại diện Microsoft cho biết công ty đang gặp một số vấn đề với dân địa phương. Bộ trưởng CNTT của tiểu bang giao cho ban quản lý địa phương giải quyết vấn đề, đồng thời thúc giục Microsoft hoàn thành dự án đúng tiến độ. Khi Rest of World đến thăm ngôi làng, quá trình xây dựng đang diễn ra dù thực tế, một số lá đơn đã được đệ trình. Microsoft bị cáo buộc chiếm dụng lối đi, đồng thời xây dựng một hàng rào trái phép dài khoảng 380 mét. Không khí và nước cũng bị ô nhiễm đáng kể.
Vào tháng 9 năm 2023, Microsoft phủ nhận việc chiếm dụng bất hợp pháp bất kỳ vùng đất nào hoặc gây ô nhiễm Hồ Tungakunta. Microsoft cũng lưu ý rằng với tư cách là một công ty CNTT, họ không đổ chất thải công nghiệp cũng như không có kế hoạch thực hiện bất kỳ hoạt động sản xuất nào trên đất.
Dẫu vậy, Jasveen Jairath, chuyên gia quản lý nước vẫn cho rằng các tập đoàn như Microsoft “đang lấn chiếm theo cách của họ và hệ thống tư pháp cực kỳ yếu kém”. Tất cả các vùng nước, theo mùa hoặc không theo mùa, đều là một phần của hệ thống hồ tích hợp và chúng kết nối với nhau.
Thỏa thuận với các tập đoàn lớn như Microsoft là vinh dự của ban quản lý địa phương. Đó là lý do vì sao họ không quá gay gắt chống lại các hành vi vi phạm tiềm ẩn.
Theo bà Jairath, việc lấn chiếm lòng hồ đã gây ra tình trạng ngập lụt tràn lan. Gachibowli, nơi đặt văn phòng Hyderabad của Microsoft, là một trong những khu vực dễ bị tổn thương như vậy.
Vào tháng 6, Microsoft cam kết sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2025, đồng thời chuyển sang sử dụng nước tích cực. Tuy nhiên, tại Mekaguda, chính quyền Telangana đang bổ sung các trạm biến áp điện và kênh thoát nước để hỗ trợ Microsoft. Một đường dây cung cấp lưới điện 220 kV mới cũng đã được lên kế hoạch để đáp ứng nhu cầu điện của trung tâm dữ liệu.
Jayesh Ranjan, thư ký đặc biệt của Telangana về công nghệ thông tin và truyền thông điện tử, cho biết Microsoft đã xin được mọi giấy phép theo luật định. Các viên chức thủy lợi cũng thường xuyên đến thăm công trường để đảm bảo việc xây dựng diễn ra trong phạm vi cho phép.
“Không có bất kỳ lỗi hoặc sự giám sát nào từ phía Microsoft”, ông nói. “Đây không phải là một công ty địa phương, làm ăn chộp giật. Đây là một công ty toàn cầu với các tiêu chuẩn tuân thủ rất cao. Các cáo buộc kể trên là rất lỏng lẻo và không phù hợp”.
Theo: Rest of World