Theo hồ sơ từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, bị can Trương Mỹ Lan bị cáo buộc có hành vi vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, Lan cùng đồng phạm dùng các hợp đồng khống, chuyển ra nước ngoài hơn 1,5 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, có hơn 3 tỷ USD được chuyển về Việt Nam trái pháp luật.
Bị can Trương Mỹ Lan |
Theo đó, từ ngày 27/10/2012 – 7/10/2022, có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định của pháp luật hơn 1,5 tỷ USD.
21 công ty nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam được công an xác định trái quy định của pháp luật với 152 lần giao dịch, tổng cộng hơn 3 tỷ USD.
Trương Mỹ Lan khai, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài.
Việc chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài, từ nước ngoài về Việt Nam đều thông qua các hợp đồng khống, là các hợp đồng mua bán cổ phần, vốn góp, hợp đồng tư vấn, hợp đồng vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và các công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Để chuyển tiền ra nước ngoài, hoặc nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, Trương Mỹ Lan giao cho Trịnh Quang Công phối hợp với Nguyễn Phương Anh, Chiu Bing Keung Kenneth (luật sư, được Lan giao quản lý các công ty nước ngoài) và lãnh đạo SCB như Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc SCB; Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT SCB; Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng giám đốc SCB; Trần Thị Mỹ Dung, cựu Phó tổng giám đốc SCB… lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài.
Sau đó, thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài.
Như vậy, cơ quan công an xác định tổng số tiền Trương Mỹ Lan và đồng phạm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới là hơn 4,5 tỷ USD, tương đương 106.730 tỷ đồng.