Cân bằng lợi ích
Tờ New York Times (NYT) cho hay ngày 7/6/2024, công đoàn lớn nhất của Samsung Electronics đã biểu tình đình công lần đầu tiên trong 55 năm lịch sử của hãng.
Nguyên nhân chủ yếu là cách tính lương thưởng của Samsung khiến các công nhân lo lắng, đề nghị công đoàn đứng ra đàm phán nhưng lại chỉ nhận được sự thiếu quan tâm từ các giám đốc.
Cụ thể, Samsung Electronics tính toán lương thưởng của nhân viên dựa trên một công thức phức tạp khấu trừ chi phí vốn trên lợi nhuận hoạt động, sau đó điều chỉnh theo thuế trên cơ sở tiền mặt. Các nhân viên Samsung không hài lòng với điều này và yêu cầu hãng sử dụng một công thức tính lương thưởng đơn giản dựa trên lợi nhuận hoạt động tương tự như nhiều đối thủ khác trong ngành.
Một lựa chọn thứ 2 là Samsung có thể thay đổi một công thức tính đơn giản hơn cho nhân viên dễ hiểu thay vì một phép toán quá phức tạp.
Phó chủ tịch Lee Hyun Kuk của công đoàn NSEU, tổ chức chính trong cuộc đình công lần này với 28.400 thành viên tham gia, cho biết năm ngoái nhiều công nhân không nhận được đồng thưởng nào trong khi họ từng nhận đến mức thưởng tương đương 30% thu nhập.
“Có cảm giác như chúng tôi bị lấy cắp mức thưởng tương ứng 30% thu nhập vậy”, ông Lee cho biết.
Tờ NYT cho hay bình quân một công nhân của Samsung Electronics kiếm được khoảng 80 triệu Won năm ngoái, tương đương khoảng 60.000 USD trước thưởng.
Tuy nhiên theo phía công ty, Samsung đã tuyển dụng 124.000 người ở Hàn Quốc tính đến tháng 12. Trung bình mỗi nhân viên của Samsung kiếm được 120 triệu won, tương đương 86.900 USD vào năm ngoái.
Hiện các công nhân Samsung lo lắng sẽ tiếp tục không nhận được thưởng trong năm thứ 2 liên tiếp cho dù mảng bán dẫn của Samsung có kinh doanh lợi nhuận trong năm 2024 đi chăng nữa. Năm ngoái, tập đoàn này đã lỗ đến 15 nghìn tỷ Won.
Ngoài ra phía công đoàn cũng yêu cầu công ty cấp thêm ngày nghỉ phép cho người lao động.
Vì cuộc đình công lần này diễn ra sát cuối tuần nên nhiều khả năng sẽ kéo dài thêm vài ngày, khiến các chuyên gia khó lòng ước tính số lượng, quy mô của cuộc biểu tình.
Dẫu vậy theo hãng tin Reuters, do phần lớn sản xuất mảng bán dẫn của Samsung Electronics là tự động nên việc đình công được cho là sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất.
Quay trở lại vụ việc, sáng ngày 7/6, một chiếc xe buýt có biểu ngữ đình công được NSEU đỗ ngay trước cửa trụ sở của Samsung tại Seoul, ngoài ra không có nhiều dấu hiệu nổi bật nào khác. Trên thực tế chiếc xe buýt này đã đỗ ở đây từ ngày 29/5/2024 nhằm kêu gọi nhân viên tập đoàn xuống đường biểu tình.
Ghi nhận của giới truyền thông cho biết cuộc đình công lần đầu tiên trong lịch sử của Samsung Electronics diễn ra khá hòa bình, nếu không muốn nói là quá yên bình. Điều này khác hoàn toàn với những cuộc đình công của các công ty đối thủ khác khi cảnh sát đã được huy động với hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông.
Theo Cựu giáo sư Kwun Seog Kyeunc của trường đại học đối ngoại Hankuk, câu chuyện ở đây đơn giản là cân bằng lợi ích giữa chia cổ tức cho cổ đông và phân phối lương thưởng cho người lao động.
Vụ đình công lần này diễn ra trong bối cảnh không hề thích hợp với Samsung khi hàng có mức lợi nhuận hoạt động thấp nhất 15 năm qua trong năm 2023 vì mảng bán dẫn thua lỗ, để cho đối thủ SK Hynix vượt lên trên trong mảng chip nhớ.
Mất vị thế
Theo NYT, cuộc đình công lần này của 28.400 lao động không ảnh hưởng nhiều đến công ty, nhưng đằng sau đó là cả một thách thức lớn hơn khi vị thế của Samsung đang bị đe dọa.
Chuyên gia phân tích Nam Hyung Kim của Arete Research cho hay Samsung đã dẫn đầu ngành bán dẫn hàn Quốc được nhiều thập niên nhưng tập đoàn này đang mất dần vị thế trước nhiều đối thủ.
Mảng chip nhớ của Samsung có lãi 1,4 tỷ USD trong quý I/2024 nhưng con số này diễn ra sau cả 1 năm 2023 thua lỗ, tương đương 4 quỹ lỗ ròng liên tiếp.
Báo cáo của TrendForce cho thấy Samsung vẫn là nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới cả về doanh thu lẫn lợi nhuận nhưng đối thủ SK Hynix đồng hương lại đang vượt mặt về công nghệ.
Phía SK đã đi trước Samsung trong mảng phát triển chip nhớ cho trí thông minh nhân tạo, hay còn được gọi là được gọi là bộ nhớ băng thông cao (HBM), khiến Samsung bất ngờ sa thải lãnh đạo mảng bán dẫn vì chậm chân trong cuộc đua này.
Quay trở lại câu chuyện đình công, bất chấp việc Samsung đối mặt nguy cơ mất vị thế ngành bán dẫn, các công đoàn vẫn đứng lên bảo vệ quyền lợi cho người lao động và cố gắng phá vỡ văn hóa coi thường công đoàn ở Samsung.
Chủ tịch Soon Woo Mok của NSEU cho biết Samsung đã liên tục than vãn về tình hình khó khăn, đang gặp khủng hoảng của mình suốt 10 năm qua và không nên dùng điều này để làm cái cớ trì hoãn quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Trên thực tế văn hóa coi thường công đoàn của Samsung có từ thời nhà sáng lập Lee Byung Chul cách đây gần 100 năm trước khi thành lập Samsung.
Theo The Guardian, Cố nhà sáng lập Lee Byung Chul của Samsung đã từng có câu nói nổi tiếng sẽ cấm đoán công đoàn cho đến ngày “mắt tôi phủ cát” (ám chỉ lúc qua đời khi phủ cát để chôn). Chúng được viết trong cuốn sách “Korea’s Place in the Sun” của nhà sử học Bruce Cumings, xuất bản năm 1997.
Việc ông Lee Byung Chul không thích công đoàn đã có từ khi thành lập Samsung vào năm 1938 và sau đó là Samsung Electronics vào năm 1969. Tuy nhiên câu nói trên chỉ thực sự lan truyền rộng rãi từ sau sự cố năm 1977.
Năm 2020, người điều hành Samsung khi đó là Lee Jae Yong, cháu trai của nhà sáng lập Lee Byung Chul, đã phải công khai xin lỗi về những hành vi cản trở thành lập công đoàn của tập đoàn này. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, đây vẫn chỉ là lời xin lỗi suông khi vẫn phớt lờ thương lượng với các công đoàn lớn như NSEU, qua đó dẫn đến vụ việc như hiện nay.
*Nguồn: Tổng hợp