Vòng đám phán mới nhất về thỏa thuận ngừng bắn – thả con tin tại Dải Gaza đã khép lại tại thủ đô Cairo – Ai Cập hôm 25-8 mà không đạt được kết quả đột phá. Reuters dẫn nguồn tin nước chủ nhà cho biết cả Israel và nhóm vũ trang Hamas đều không đồng ý một số thỏa hiệp được các nhà trung gian đưa ra. Dù vậy, giới chức Mỹ vẫn tỏ ra lạc quan khi mô tả các cuộc đàm phán trên là “mang tính xây dựng” và tiến trình này vẫn tiếp tục trong những ngày tới để thu hẹp bất đồng.
Một trong những vấn đề gai góc nhất là sự hiện diện của Israel tại hành lang Philadelphi, một dải đất hẹp dài 14,5 km dọc theo biên giới phía Nam giữa Dải Gaza với Ai Cập. Các nhà trung gian đã đưa ra một số phương án thay thế cho sự hiện diện của lực lượng Israel ở hành lang này và hành lang Netzarim (cắt ngang qua giữa Dải Gaza) nhưng không bên nào chấp nhận. Ngoài ra, Israel còn bày tỏ sự dè dặt đối với một số tù nhân Palestine mà Hamas yêu cầu thả. Israel yêu cầu những người này phải rời Dải Gaza nếu được thả.
Việc chưa khai thông được bế tắc đàm phán khiến cộng đồng quốc tế thêm bất an về tình hình Trung Đông, nhất là sau khi Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon có cuộc giao tranh quy mô lớn nhất kể từ khi xung đột ở Dải Gaza bùng phát. Theo đài CNN, vụ đụng độ qua biên giới Israel – Lebanon sáng 25-8 (giờ địa phương) đánh dấu sự leo thang đáng kể sau nhiều tháng thù địch giữa Hezbollah và Israel nhưng cũng làm dịu bớt nỗi lo về một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, ít nhất là vào lúc này. Giới phân tích nhận định cả Israel và Hezbollah đều tiến hành chiến dịch quân sự của mình rất cẩn thận, tránh để thù địch leo thang thành cuộc chiến toàn diện.
Thủ lĩnh Sayyed Hassan Nasrallah của Hezbollah tuyên bố cuộc tấn công trên nhằm trả đũa vụ sát hại chỉ huy quân sự cấp cao Fuad Shukr ở thủ đô Beirut – Lebanon vào tháng rồi. Ông này khẳng định chiến dịch đã được hoàn thành “theo kế hoạch” nhưng nói thêm Hezbollah sẽ đánh giá tác động của cuộc tấn công và “giữ quyền đáp trả vào thời điểm khác” nếu kết quả không đủ. Bất chấp cảnh báo này, nguy cơ xảy ra xung đột toàn diện giữa Israel và Hezbollah dường như đã giảm đáng kể và hai bên sẽ trở lại giai đoạn đụng độ cường độ thấp tại biên giới.
Dù vậy, Israel vẫn phải chờ đợi một mối đe dọa khác có thể xảy ra: “sự trả đũa” của Iran sau cái chết của thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh ở thủ đô Tehran. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi hôm 25-8 nhắc lại kế hoạch trả đũa nói trên khi nhấn mạnh phản ứng của Tehran là “dứt khoát” và “sẽ được tính toán kỹ lưỡng”.
Ông Jean-Loup Samaan, chuyên gia của Viện Trung Đông thuộc Trường ĐH Quốc gia Singapore, nhận định với đài Channel NewsAsia rằng câu hỏi quan trọng lúc này là liệu cuộc tấn công của Hezbollah hôm 25-8 là một chương cuối cùng hoặc là chương đầu tiên của làn sóng tấn công khác mà Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của Tehran tại khu vực có thể phát động trong những ngày tới? Trong khi đó, ông James Dorsey, chuyên gia tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (Singapore), cho rằng “lằn ranh đỏ” vẫn chưa vượt qua cho đến giờ nhưng tất cả các bên cần phải điều chỉnh rất cẩn thận các hoạt động quân sự của mình.
Tóm lại, như đài CNN chỉ ra, khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục trong tình trạng căng thẳng và bất ổn chừng nào cuộc xung đột ở Dải Gaza chưa kết thúc.
Giá dầu chịu tác động
Giá dầu thế giới hôm 26-8 gia tăng sau khi xảy ra cuộc giao tranh lớn giữa Israel và lực lượng Hezbollah một ngày trước đó. Theo trang Bloomberg, giá dầu Brent tăng lên gần 80 USD/thùng trong khi giá dầu WTI tăng lên hơn 75 USD/thùng.
Ông Vivek Dhar, chuyên gia tại Ngân hàng Commonwealth Bank (Úc), cho rằng căng thẳng ở Trung Đông và nguy cơ xảy ra xung đột rộng lớn hơn sẽ giữ giá dầu ở mức cao. Trả lời phỏng vấn đài CNBC, ông Dhar nhận định trong trường hợp Iran tấn công trả đũa Israel, phản ứng của Israel cũng tác động mạnh đến các thị trường. Phản ứng này có thể bao gồm một cuộc tấn công vào nguồn cung dầu mỏ của Iran và cơ sở hạ tầng liên quan, đe dọa đến 3%-4% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu. Ông dự báo giá dầu Brent giao sau sẽ được giao dịch trong khoảng 75-85 USD/thùng vào tháng 9 nhưng con số này có thể tăng nếu triển vọng đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza trở nên xa vời.
Bên cạnh rủi ro chính trị, giá dầu còn chịu tác động bởi khả năng Mỹ sắp bắt đầu cắt giảm lãi suất. Vào cuối tuần rồi, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đưa ra tín hiệu quyết đoán nhất từ trước đến nay rằng nhiệm vụ chống lạm phát của ông đã hoàn thành và đã đến lúc điều chỉnh chính sách, từ đó củng cố kỳ vọng về bước đi hạ lãi suất vào tháng tới.
Xuân Mai