spot_img
19 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếSiêu cường lung lay: Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel cảnh...

Siêu cường lung lay: Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel cảnh báo nền kinh tế châu Âu sẽ đình trệ, bị Mỹ và Trung Quốc bỏ xa

Theo chuyên gia, châu Âu đang bị các đối thủ cạnh tranh như Mỹ và Trung Quốc bỏ xa trong nhiều lĩnh vực quan trọng.

Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đổi mới và năng suất yếu, đẩy nền kinh tế của khu vực này vào con đường đình trệ trừ khi thay đổi hướng đi, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Michael Spence nhận định.

Trong bài viết trên Project Syndicate tuần trước, nhà kinh tế này cho biết tăng trưởng năng suất dài hạn ở các nền kinh tế tiên tiến phụ thuộc vào sự thay đổi cấu trúc, dẫn đầu là đổi mới công nghệ.

“Đây chính là vấn đề chính của châu Âu. Trong nhiều lĩnh vực từ AI, chất bán dẫn đến máy tính lượng tử, Mỹ và thậm chí cả Trung Quốc đều đang bỏ xa châu Âu”, ông nhấn mạnh.

Siêu cường lung lay: Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel cảnh báo nền kinh tế châu Âu sẽ đình trệ, bị Mỹ và Trung Quốc bỏ xa - ảnh 1
Nhà kinh tế học Michael Spence. Ảnh: Getty Images

Tình trạng trì trệ của châu Âu đã diễn ra trong nhiều năm. Năm 2008, GDP Mỹ và GDP của khu vực đồng euro gần như bằng nhau. Còn ở hiện tại, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Mỹ lớn hơn khoảng 75% so với khu vực đồng euro.

Spence, cũng là một thành viên cấp cao tại Viện Hoover, cho rằng tình trạng thiếu đổi mới của châu Âu là do đầu tư không đủ vào lĩnh vực R&D (nghiên cứu và phát triển), thị trường vẫn còn đơn lẻ, thiếu cơ sở hạ tầng quan trọng như sức mạnh tính toán và hạn chế về nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cũng như vốn cổ phần tư nhân.

Ông nói thêm, châu Âu có thể vượt qua những trở ngại này và đạt được những lợi thế quan trọng như nhân tài đến từ các trường đại học và mạng lưới an sinh xã hội – cung cấp sự an toàn kinh tế cần thiết để chấp nhận rủi ro kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu không có tầm nhìn kinh tế mới, ông cảnh báo các ngành công nghiệp truyền thống ít đổi mới sẽ tiếp tục thống trị, trong khi những người giỏi nhất sẽ di cư sang các quốc gia khác.

Nhà kinh tế học lưu ý: “Châu Âu phải đưa ra quyết định. Hoặc duy trì hướng đi hiện tại, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ tương đối, hoặc có thể vạch ra một con đường hoàn toàn mới. Cách tiếp cận thứ 2 tuy rủi ro hơn, nhưng cũng có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn nhiều”.

Dù vậy, ông chỉ ra lựa chọn này dường như không phải là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách hoặc cử tri, đồng thời thúc giục các nhà lãnh đạo đưa ra bức tranh rõ ràng về những gì mà tình trạng hiện tại hoặc tầm nhìn kinh tế mới sẽ mang lại.

Theo ông, châu Âu có thể làm được điều này và đã thành công trong việc nhắm mục tiêu vào các mô hình tăng trưởng bền vững mới.

Spence kết luận: “Nhưng trước tiên, người châu Âu phải trả lời một câu hỏi đơn giản nhưng quan trọng là EU sẽ trông như thế nào – về mặt đổi mới, kinh tế, an ninh và khả năng phục hồi – trong một thập kỷ tới”.

Theo Fortune

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật