Theo chỉ đạo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), những NH thương mại có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Động thái tích cực của NHNN đưa ra trong bối cảnh thống kê đến ngày 26-8, tín dụng toàn hệ thống chỉ mới tăng 6,63% so với cuối năm ngoái, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 15% định hướng cả năm nay.
Tạo điều kiện cho ngân hàng đẩy vốn ra thị trường
Theo NHNN, trong bối cảnh tốc độ cho vay giữa các NH có sự phân hóa mạnh, cơ quan quản lý luân chuyển hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng. Có NH tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số đơn vị khác tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo. Vì vậy, NHNN chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Theo ghi nhận, trong nửa đầu năm nay, một số NH có mức tăng tín dụng cao trên 10% như VPBank, MB, Nam A Bank, MSB, HDBank, ACB, Techcombank, LPBank… Nhiều NH thương mại đang tích cực đẩy vốn ra thị trường trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm chưa như kỳ vọng. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc NH Tiên Phong (TPBank), cho biết trong quý III/2024, nhu cầu tín dụng tại NH đã tăng lên. Người dân và doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn nhiều hơn tạo cơ sở để TPBank đẩy vốn ra thị trường từ nay tới cuối năm. Hiện NHNN cũng phân bổ room tín dụng cho các NH khác chủ động và TPBank cũng đã chuẩn bị các nguồn vốn. Thanh khoản từ huy động vốn khá thuận lợi, nguồn vốn dồi dào, chỉ còn chờ nhu cầu thật sự từ thị trường để tăng trưởng tín dụng. Kỳ vọng trong năm 2024, tăng trưởng tín dụng tại TPBank sẽ đạt khoảng 16%, sau khi đã tăng khoảng 8% từ đầu năm tới nay. “Nhu cầu tín dụng của DN đang tích cực, riêng nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân vẫn chậm nhưng sẽ có sự cải thiện từ nay tới cuối năm. Lãi suất được kỳ vọng ổn định và giảm bớt trong bối cảnh tỉ giá USD/VNĐ không còn “nóng” khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến có ít nhất 2 lần giảm lãi suất trong năm nay” – ông Nguyễn Hưng nói.
Cùng với việc giao thêm chỉ tiêu tín dụng, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, lành mạnh, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Đại diện NH Quân đội (MB) cho rằng việc được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là động lực để NH thương mại tổ chức công tác quản lý, giám sát, kiểm soát vốn tín dụng ra thị trường chủ động để điều hành kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Chưa thể bỏ room tín dụng
Một trong những yếu tố được cơ quan quản lý đề cập trong văn bản gửi các tổ chức tín dụng là sẽ tiếp tục triển khai chủ trương của Quốc hội, Chính phủ về dỡ bỏ dần biện pháp giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, với bối cảnh của nền kinh tế hiện tại là chưa thể “tháo van” hoàn toàn room tín dụng, nhất là NHNN đang điều hành chính sách tiền tệ gắn với kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô… NH cũng là một DN đặc thù, nếu bỏ room tín dụng – thiếu sự kiểm soát bằng công cụ này của cơ quan quản lý, sẽ gia tăng rủi ro. Khi đó nền kinh tế có thể bị ảnh hưởng, nên các chính sách cần hài hòa. Tuy nhiên, nếu kinh tế Việt Nam đủ lớn thì nên bỏ room tín dụng. Tại báo cáo trả lời Quốc hội gần đây, lãnh đạo NHNN đã giải thích lý do vì sao NHNN chưa bỏ room tín dụng. Theo đó, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng nhằm bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống NH, góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Hiện áp lực cân đối vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) tiếp tục đè nặng lên vai hệ thống NH, tiềm ẩn rủi ro chênh lệch kỳ hạn, thanh khoản (khi tổ chức tín dụng chủ yếu huy động ngắn hạn nhưng cho vay trung dài hạn). NH tự tăng trưởng tín dụng mà không có biện pháp kiểm soát thông qua cả hệ thống chỉ tiêu an toàn hoạt động và hạn mức tăng trưởng tín dụng, có thể quay lại tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng như giai đoạn trước năm 2011. “Không chỉ tạo nợ xấu gia tăng và đe dọa sự an toàn của hệ thống, còn rủi ro gây bất ổn vĩ mô chung cho nền kinh tế, rủi ro lạm phát. Việc dỡ bỏ biện pháp này cần thận trọng, có lộ trình thích hợp, bảo đảm các điều kiện cần thiết và từng bước thực hiện phù hợp với điều kiện thị trường” – lãnh đạo NHNN giải thích.
Lãi suất cho vay ổn định
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán MBS, cho rằng cầu tín dụng sẽ tiếp tục xu hướng tăng lên mạnh hơn từ giữa năm nay khi sản xuất và đầu tư tăng tốc mạnh hơn trong những tháng cuối năm. Lũy kế 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 11,2%, chỉ số quản trị người mua hàng (PMI) đạt 54,7 trong tháng 7; đầu tư công và tư nhân đều khởi sắc… MBS dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các NH thương mại lớn sẽ có thể nhích thêm 0,5 điểm % lên 5,2% – 5,5% vào cuối năm nay. Tuy nhiên, lãi suất đầu ra sẽ vẫn duy trì ở mặt bằng hiện tại trong bối cảnh các cơ quan quản lý và các NH đang nỗ lực hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDIRECT, kỳ vọng tốc độ tăng lãi suất huy động sẽ giảm dần về cuối năm và chủ yếu được thúc đẩy bởi triển vọng tăng trưởng tín dụng. Dự báo lãi suất huy động bình quân 12 tháng sẽ tăng lên mức 5,2% – 5,3% vào cuối năm nay, thấp hơn dự báo 5,3% – 5,5%/năm trong báo cáo chiến lược giữa năm trước đó. Sự thay đổi dựa trên khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự kiến trước đó, đồng nghĩa với việc NHNN sẽ có thêm dư địa để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn.
Trong chỉ đạo mới nhất, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tiếp tục duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi. Tăng cường triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa thủ tục cho vay, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để giảm lãi suất cho vay.
Bảo đảm chất lượng tín dụng
Theo một chuyên gia tài chính, diễn biến tăng trưởng tín dụng hiện tại khoảng 6,63% là khá thấp so với kỳ vọng của thị trường và nhà điều hành. Diễn biến này cho thấy sự bất định và nền kinh tế còn khó khăn dưới tác động của nhiều yếu tố trong nước và quốc tế. “Công cụ phân bổ room tín dụng hiện tại có thể dẫn tới hệ lụy là ảnh hưởng chất lượng tín dụng, tức là tăng trưởng không thực chất mà phải chạy theo chỉ tiêu hằng năm. Một NH nếu năm nay không tăng trưởng tín dụng như chỉ tiêu có thể năm sau sẽ bị… cắt bớt, trong khi bối cảnh kinh tế mỗi năm mỗi khác nhau. Do đó, việc đề xuất bỏ room tín dụng để dòng vốn phản ánh đúng nhu cầu của thị trường thì cần xem xét” – chuyên gia tài chính này nói.
Ông NGUYỄN HỮU VINH, Giám đốc Công ty CP IPP Sachi (Bình Định):
Cơ hội để doanh nghiệp mở rộng sản xuất
Việc vay vốn NH hiện nay dễ hơn và lãi suất rẻ hơn. Hiện DN đang vay vốn trung hạn ở mức vài tỉ đồng, lãi suất cố định 8%/năm để đầu tư vào nhà máy. Ngoài ra, hiện nay có nhiều NH chào các gói vay vốn ngắn hạn lãi suất chỉ 6% – 6,5%/năm nhưng DN chưa có nhu cầu vay giữa bối cảnh thị trường tăng trưởng còn chậm. Với mức lãi suất tốt như hiện nay, năm 2025, công ty có kế hoạch tiếp tục vay thêm vốn trung hạn để mở rộng nhà máy, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu dành cho thị trường chuyên biệt cần chứng nhận Halal.
Ông TẠ QUANG HUYÊN, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn I (Bình Phước):
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp thiếu hạn mức
Lãi suất ở mức tốt cho DN sản xuất – kinh doanh. Các khoản vay ngắn hạn tiền VNĐ khoảng 6%/năm và vay USD là 4%/năm. Hiện đa số các DN chọn vay VNĐ bởi có lợi hơn, đặc biệt ở những giai đoạn tất toán khoản vay mà đồng USD cao. Hiện xuất khẩu điều khá tốt, DN có vốn dồi dào để sản xuất – kinh doanh và dùng không hết hạn mức tín dụng mà NH cấp. Tuy nhiên, một số DN trong ngành đang gặp vấn đề thiếu hạn mức do giá bất động sản đi xuống nên định giá thấp hơn trong khi đó giá điều tăng nên cần vốn nhiều hơn. Ngoài ra, một số DN đoán sai xu hướng giá, ký hợp đồng bán trước với giá thấp trong khi mua nguyên liệu đầu vào giá cao cũng gặp khó khăn về dòng tiền.
Ông NGUYỄN THANH HIỀN, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (nhãn hàng tương ớt lên men Chilica):
Điều chỉnh thời gian cho vay phù hợp
DN đang bỏ lỡ một cơ hội kinh doanh rất tốt vì không thể vay được 20 tỉ đồng theo nhu cầu. Theo đó, hiện nay ớt từ nông dân đang có giá rất rẻ vì đầu ra gặp khó, nhà máy đang thừa công suất để chế biến và đơn hàng xuất khẩu tốt. Thế nhưng, NH cho vay vốn lưu động tối đa chỉ 9 tháng trong khi quy trình lên men ớt Chilica phải 12 tháng, thêm thời gian bán hàng để tiền về là 15 tháng. Hồ sơ vay vốn của DN rất “sạch” khi hoạt động trong lĩnh vực nông sản, DN có lãi, hồ sơ đóng thuế, hoàn thuế GTGT minh bạch, dòng tiền từ xuất khẩu rất rõ ràng nên lãi suất cho vay dự kiến chỉ 6,5%/năm. Nhưng thời gian cho vay 9 tháng thì DN chưa kịp có dòng tiền để trả. Cơ quan quản lý cần điều chỉnh thời gian cho vay phù hợp với mô hình sản xuất thực tế để hỗ trợ DN.
Ông HOÀNG VĂN THỦY, Tổng Giám đốc Công ty CP Cà phê Đại Hoàng Thủy:
Nên nới lỏng điều kiện vay
Sau dịch COVID-19, DN rất cần vốn để tái sản xuất cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhưng không thể vay được vốn vì phải có tài sản thế chấp và trong 6 tháng gần nhất DN phải hoạt động có lãi. Kinh tế khó khăn, thị trường sụt giảm nên việc đòi hỏi DN phải có lãi mới được thì rất khó cho DN. Hiện công ty cần vay để thu mua 350 tấn cà phê nguyên liệu để sản xuất, chế biến. Tăng hạn mức tín dụng, cũng nên xem xét mở rộng điều kiện cho vay để tạo điều kiện cho một số DN đang gặp khó khăn.
Ng.Ánh – Ng.Hải