spot_img
20 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngXuất khẩu nghệ thuật từ… rác

Xuất khẩu nghệ thuật từ… rác

Vài năm nay, Trần Thiện Nhứt là họa sĩ hiếm hoi ở Việt Nam có tác phẩm đều đặn xuất khẩu sang Mỹ và Pháp. Từ bột giấy, lõi ngô, xơ dừa, rơm rạ…, qua sáng tạo của anh trở thành những tác phẩm điêu khắc giá từ vài chục đến vài trăm ngàn USD, bán ở những thị trường có tiếng là “khó tính nhất thế giới”.

Cái bàn “giấy” có giá hơn 6 tỷ đồng

Giữa xưởng làm việc của Trần Thiện Nhứt ở một vùng ven Thủ Đức, cái bàn phủ sơn mài đen bóng đã được hoàn thiện trông giống như hạc giữa bầy gà lọt thỏm trong đống máy móc xù xì và từng chồng bột giấy thô nhám. Cạnh nó, hai cái ghế đen tạo hình như cái răng trông vừa độc đáo vừa có chút ngộ nghĩnh. Ở một góc khác, chỗ ngồi hình con hà mã lên màu như màu đồng bị oxy hóa. Sở dĩ tôi nói hơi kỹ về những bàn với ghế này bởi nguyên liệu làm ra chúng đều từ bột giấy ép, là thứ đồ không đáng tiền mà các hộ chăn nuôi hay dùng để làm khay đựng trứng.

Xuất khẩu nghệ thuật từ… rác- Ảnh 1.

Ghế hà mã làm từ các tông

“Loại bàn kiểu này được bên Mỹ đánh giá rất cao. Ba năm trước, tôi làm cái đầu tiên dài 3m, ngang 1m3, nặng khoảng 60kg, xuất sang đó với giá 260 ngàn USD (hơn 6 tỷ đồng). Cũng là nó, khi ở Việt Nam, tôi ghi giá hai ngàn USD mà không ai chốt, ế ở xưởng mấy năm liền”.

Trong câu chuyện “xuất khẩu nghệ thuật” của Trần Thiện Nhứt sau đó, anh tiết lộ, mỗi năm “công ty trách nhiệm hữu hạn một mình Nhứt” lại xuất một, hai container sang Mỹ và Pháp, có cái 20 feet (tương đương 15m2), có cái 40 feet.

Lại nói về chuyện “một mình” là vì từ lúc thành lập đến nay, mãi tháng 7 vừa qua xưởng của Nhứt mới có kế toán, còn trước đó, từ năm 2013 “một mình anh đóng cả ba vai chèo”, vừa gặp khách, lên ý tưởng, vừa thiết kế, thi công, sản xuất, bàn giao, cho đến làm thuế, thu hồi công nợ, xuất khẩu…

Tôi hỏi, hành trình “đi ra biển lớn” của anh bắt đầu như thế nào, Nhứt kể: Ban đầu tôi gặp được một cộng sự người Pháp, anh ấy thích tác phẩm của tôi. Rồi hai người bắt tay đồng sáng tạo, xuất khẩu. Năm năm nay thì tôi tự làm tất cả các khâu.

Xuất khẩu nghệ thuật từ… rác- Ảnh 2.

Họa sĩ Trần Thiện Nhứt bên cái ghế làm từ đồ tái chế rất được thị trường Mỹ ưa chuộng

Con đường “xuất khẩu nghệ thuật” của Nhứt khá đặc biệt. Anh chào hàng ở Nhà đấu giá Drouot (Paris, Pháp), sau đó tham gia đấu giá trực tiếp. Ưu điểm của cách làm này là sản phẩm bán nhanh và có thị trường rộng khắp thế giới. Còn nhược điểm là khó. Không dễ để một họa sĩ trẻ bắt tay với Drouot bởi nơi đây được xem là trục bản lề của thị trường nghệ thuật Pháp và quốc tế, thường sở hữu những sản phẩm đấu giá giá trị lớn từ vài trăm ngàn đến cả triệu euro.

Cho đến giờ, Nhứt kể, vẫn không thể quên cảm giác lần đầu ngồi trước máy tính theo dõi đơn hàng của mình lên sàn đấu giá. “Tim nảy phầm phập, lo lắng “một cú liều” của mình sẽ được đón nhận như thế nào, khách hàng có hiểu câu chuyện của mình không? Rất may, chỉ sau hơn một giờ, lô hàng đầu tiên bán hết. Container sau đó của chúng tôi cũng được gõ búa liên tục trong tầm hai tiếng. Dần dần, khách Mỹ biết đến, và họ liên hệ trực tiếp với tôi”.

Nhứt cũng nói rằng, anh không cố tình dò gu của khách để chiều chuộng. Vì ngành nghệ thuật phát triển quá lâu rồi, cái gì cũng có cảm giác có người làm rồi, nếu mà sợ đụng thì không làm được. “Khi làm tác phẩm tôi luôn lấy tâm thế làm cho mình, trước hết phải thỏa mãn tiêu chí của mình. Còn sau đó nó “chạm” vào khách hàng thì là điều tôi không tính toán trước được. Đồ nội thất của chúng tôi là sự kết hợp giữa điêu khắc và ứng dụng để trở thành sản phẩm tiêu dùng gia đình. Giá trị của chúng không dừng lại ở một chiếc bàn hay chiếc ghế đơn giản, mà là một tác phẩm nghệ thuật. Người phương Tây chấp nhận sản phẩm của tôi vì tính bền vững và tính thẩm mỹ của chúng”.

Một sáng tạo khác của Nhứt rất được các viện bảo tàng, thư viện, nhà thờ… ưa chuộng là những quả địa cầu bằng giấy ép khổ lớn (cao 1m65), mặt nền in tranh của những họa sĩ cổ điển. Tính đến nay, Nhứt đã bán khoảng 12 cặp địa cầu ở sàn đấu giá Pháp, giá trung bình từ mười mấy đến ba mấy ngàn euro. “Thu nhập đủ nuôi xưởng, nuôi mình”, Nhứt nói.

Xuất khẩu nghệ thuật từ… rác- Ảnh 3.

Trần Thiện Nhứt trong một chuyến đi rừng, hầu hết tác phẩm của anh đều lấy cảm hứng từ rừng

Câu chuyện nguyên liệu thân thiện

Tác phẩm điêu khắc của Trần Thiện Nhứt bắt đầu có mặt ở thị trường Pháp từ năm 2013. Lúc đó, vật liệu được chọn là bê tông, đá và nhựa, nhưng tàn dư độc hại của chúng khiến anh dừng lại. Họa sĩ đến từ Gia Lai bắt đầu nghiên cứu các vật liệu thay thế đáp ứng cả yêu cầu về độ bền và thẩm mỹ. Vì vậy ý tưởng sử dụng bìa cứng tái chế đã bén rễ trong hành trình sáng tạo của anh.

Nhứt tìm giấy tái chế từ nhiều nguồn khác nhau sau đó nghiền, giã và dùng keo sạch dán vào khung. Có những đồ vật như bàn ghế, lúc đầu, hầu hết mọi người đều bị thị giác đánh lừa vì nghĩ rằng đó là bàn ghế đá. Nhưng chúng được làm từ bìa các tông.

Có người hỏi, độ bền của sản phẩm bằng giấy tái chế thế nào, Nhứt khẳng định: hơn 10 năm qua tôi chưa từng nhận một phản hồi xấu về chất lượng và độ bền của sản phẩm. Chúng đều đã được “thử lửa” qua cái nắng nhiệt đới hơn 40 độ C và cái lạnh ôn đới dưới âm độ C. Điều đặc biệt, những sản phẩm này khi hết tuổi thọ thì đều có thể tái sử dụng, trong trường hợp xả thải, nó cũng có thể biến thành phân bón và chất hữu cơ mà không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Trần Thiện Nhứt, con nhà nghèo, tốt nghiệp trung học, lang thang làm thợ cắt đá ba năm mới thi vào ĐH Mỹ thuật TPHCM. Khi đi thi, anh xách theo xô, cọ, màu, nước… khiến bạn phải nhắc: đấy là đồ dùng để thi vẽ. Kỳ lạ là dù không ôn thi ngày nào, cũng chưa từng học qua trung cấp Mỹ thuật như phần đông con đường của các thí sinh khác, Nhứt cuối cùng vẫn đỗ á khoa điêu khắc.

Chàng trai kỳ lạ ấy nói rằng mình lớn lên ở Tây Nguyên, yêu rừng, thích tất cả mọi thứ từ rừng. Nên trong những tác phẩm của anh sau này dày đặc những là lá cây, gốc cây, cá sấu, khủng long, chó tuyết, đám mây, đụn cát… Trong túi của anh luôn luôn có một cuốn sổ phác thảo kèm bút. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, khi ý tưởng bật ra là Nhứt ký họa lại ngay. “Tôi muốn đưa thiên nhiên về thành phố, qua những tác phẩm”, Nhứt nói.

Càng đi sâu vào con đường tái chế, Nhứt càng bị nó cuốn hút. Anh khoe: “Tôi đang nghiên cứu một chất liệu mới, dùng cát và keo thực phẩm để làm điêu khắc. Các đối tác ở Mỹ và châu Âu đã yêu cầu tôi thử làm một chiếc lọ có thể hòa tan trong nước trong vòng 10 đến 15 phút mà không gây hại cho môi trường. Tôi đã làm một cái lọ từ cát và keo ăn được, tức là làm hoàn toàn bằng bột mì, bột sắn, bột năng. Nó tan trong nước trong vòng bảy phút. Những khách hàng này hy vọng tôi có thể sản xuất chúng trên quy mô lớn. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng nguyên liệu, ngoài bột giấy, còn có bột gỗ, bột tre, xơ dừa, lõi ngô, rơm rạ…”.

Trần Thiện Nhứt sinh năm 1981, tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật TPHCM khoa điêu khắc, tạo dựng tên tuổi của mình bằng cách sáng tạo các tác phẩm sử dụng vật liệu tự nhiên hoặc tái chế.

Tác phẩm của anh hiện đang được trưng bày tại các phòng trưng bày như Maison Gerard Paris (Pháp) và Valerie Goodman (Mỹ).

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật