Chứng khoán có lịch sử buồn nhiều hơn vui
Fed xoay trục sang cắt giảm lãi suất cơ bản có thể trợ lực cho nền kinh tế Mỹ, nhưng lúc này, nền kinh tế lớn nhất thế giới cần mức trợ lực bao nhiêu từ Fed thì chưa ai xác định được, ngay cả các quan chức Fed cũng chờ đợi kết quả chỉ số PCE (tháng 7) – thước đo lạm phát ưa dùng của Fed và dữ liệu thị trường việc làm.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, bật đèn xanh, đã đến lúc bắt đầu cắt giảm lãi suất. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đặt cược rằng, Fed sẽ kích hoạt chu kỳ cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 9, sau hơn một năm neo lãi suất ở mức cao nhất hai thập kỷ.
Bà Mary Daly, Chủ tịch Fed tại chi nhánh San Francisco, cũng khẳng định sẽ cắt giảm lãi suất, đồng thời ám chỉ khả năng bắt đầu với mức cắt giảm 25 điểm cơ bản.
Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn đang dò đoán xem mức cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sẽ lớn đến cỡ nào, 25 hay 50 điểm cơ bản. Về lý thuyết, lãi suất thấp hơn sẽ giúp thúc đẩy giá cổ phiếu, vì lãi suất thấp hơn thường giúp giảm chi phí lãi vay và điều này có ích cho doanh nghiệp, theo bà Callie Cox, chiến lược gia cấp cao tại công ty quản lý tài sản Ritholtz Wealth Management.
Nhưng lịch sử cho thấy, cổ phiếu không phải lúc nào cũng tăng giá sau lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed. Đôi khi, các chỉ số chứng khoán nặng ký như S&P 500 lại “đỏ lửa”, thậm chí giảm sâu đáng kể sau 3 tháng hoặc 1 năm.
Với đợt cắt giảm lần này của Fed, bà Cox và ông Kevin Gordon, chiến lược gia cấp cao tại tập đoàn tài chính Charles Schwab lưu ý rằng, các nhà đầu tư sẽ chú ý đến sức khỏe của nền kinh tế Mỹ hơn là mức độ cắt giảm lãi suất. Nói cách khác, không chỉ việc Fed có cắt giảm lãi suất mới quan trọng đối với nhà đầu tư, mà lý do cắt giảm cũng quan trọng.
“Vấn đề của nền kinh tế Mỹ có thể được thể hiện qua cách thị trường phản ứng với các bước ngoặt chính sách (của Fed – BTV)”, bà Cox bình luận trên MarketWatch.
Bà Cox cho rằng, cần xác định xem “Fed cắt giảm lãi suất vì ăn mừng hay tuyệt vọng?”. Vị chiến lược gia của Ritholtz Wealth Management lưu ý: “Nếu đây là việc cắt giảm lãi suất vì ăn mừng, thì lãi suất thấp hơn thực sự tốt cho thị trường chứng khoán. Nhưng nếu Fed phải lao vào vì tuyệt vọng và cắt giảm lãi suất, thì thông thường điều đó không tốt cho cổ phiếu”.
Một phân tích của Dow Jones về cách cổ phiếu phản ứng với các lần cắt giảm trước đây của Fed đã ám chỉ đến sự khác biệt này. Dữ liệu thị trường của Dow Jones chỉ ra rằng, khi Fed kích hoạt 5 chu kỳ cắt giảm lãi suất kể từ đầu những năm 1990, họ đã thay đổi cách truyền đạt các thay đổi chính sách tới công chúng bằng cách bắt đầu công bố những thay đổi đối với lãi suất mục tiêu của mình. Chỉ số S&P 500 trung bình tăng 2,5% trong 3 tháng sau lần cắt giảm lãi suất đó.
Song, phản ứng tích cực không phải lúc nào cũng tái hiện. Bằng chứng là 3 tháng sau khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào năm 2001, chỉ số S&P 500 đã “bốc hơi” 10,7%. Còn 3 tháng sau khi Fed hạ lãi suất vào năm 2007, chỉ số này đã tuột mất 2,1%. Một năm sau cả hai đợt cắt giảm đó, chỉ số S&P 500 đã ghi nhận mức giảm lỗ hai con số.
Lục lại dữ liệu xa hơn nữa, có thể củng cố cho nhận định rằng, lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed không phải lúc nào cũng đem lại điều tốt lành cho thị trường chứng khoán.
Chẳng hạn, dữ liệu từ Renaissance Macro chỉ ra, kể từ năm 1970, lãi suất cơ bản của Fed có xu hướng thấp hơn, trùng với đợt bán tháo cổ phiếu; ngoại trừ phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán đối với chu kỳ cắt giảm gần đây nhất của Fed vào năm 2019.
Định giá cao ngất ngưởng đối với cổ phiếu large-cap (vốn hóa lớn) có thể khiến thị trường chứng khoán “chịu đau đớn” sau đợt cắt giảm lãi suất tới đây của Fed, đặc biệt là khi các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế và thị trường lao động của Mỹ chững lại, buộc phố Wall phải hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận.
Ông Dave Sekera, chiến lược gia trưởng thị trường Mỹ tại công ty dịch vụ tài chính Morningstar tin rằng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9 vì phương án cắt giảm 50 điểm cơ bản không những không có khả năng xảy ra, mà còn gây ra tác động tiêu cực.
“Nếu họ cắt giảm 50 điểm cơ bản, thị trường có thể hiểu rằng Fed lo lắng về nền kinh tế hơn những gì chúng ta nghĩ. Điều đó có thể làm gia tăng mối lo về suy thoái trong tương lai gần”, ông Sekera nhận định.
Còn ông Gordon, chiến lược gia cấp cao từ Charles Schwab cảnh báo rằng, một khởi đầu mạnh mẽ hơn trong chu kỳ nới lỏng tiền tệ của Fed, tức là một đợt cắt giảm lãi suất mạnh tay, có thể khiến thị trường chứng khoán rúng động. “Còn rất nhiều điều có thể dẫn đến sai lầm. Chúng ta vẫn đang trượt trên lớp băng tương đối mỏng”, ông Gordon nói thêm.
Lãi suất giảm là tin vui cho vàng?
Trong hơn 2 năm qua, Fed chủ yếu điều chỉnh lãi suất tăng 25 – 50 điểm cơ bản, ngoài 4 đợt tăng 75 điểm cơ bản liên tiếp vào năm 2022. Để ứng phó với lạm phát tăng vọt, Fed duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và giữ nguyên lãi suất cơ bản ở ngưỡng 5,25 – 5,5% kể từ tháng 7/2023.
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần trước, bất ổn địa chính trị và kỳ vọng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 đã giữ chân giá vàng giao ngay ở mức 2.520,36 USD/ounce, thấp hơn một chút so với mức kỷ lục 2.531,6 USD/ounce thiết lập ngày 20/8. Khép lại tháng 8, giá vàng đã tăng khoảng 3%.
Trung Đông vẫn chưa có dấu hiệu đột phá cụ thể trong các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Israel và phiến quân Hamas. Ở những nơi khác, các nhà giao dịch đặt cược 67% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng tới và 33% khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản, theo nền tảng theo dõi biến động chính sách FedWatch của CME Group.
Thông thường, lãi suất thấp hơn làm tăng sức hấp dẫn của việc nắm giữ vàng. Theo dự báo của ông Ricardo Evangelista, nhà phân tích cấp cao tại công ty môi giới ngoại hối ActivTrades (Vương quốc Anh), giá vàng sẽ áp sát mốc 3.000 USD/ounce trước khi kết thúc năm nay, chủ yếu do Fed giữ quan điểm chính sách tiền tệ ôn hòa, trong khi nhà đầu tư có xu hướng tìm đến tài sản trú ẩn an toàn, còn các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng.
Một diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường vàng là dòng tiền đổ vào các ETF vàng dịch chuyển từ châu Á sang phương Tây. Theo ông Adrian Ash, Giám đốc nghiên cứu tại BullionVault – một trong những sàn giao dịch kim loại quý trực tuyến lớn nhất thế giới, các quỹ tín thác của Mỹ và châu Âu sẽ mở rộng danh mục đầu tư vàng, trong khi các quỹ ETF vàng của Trung Quốc và Ấn Độ lại thu hẹp.
Thực tế, dòng tiền chảy vào các quỹ ETF vàng đã chuyển từ thị trường đầu tư châu Á sang phương Tây khi kim loại quý này lập kỷ lục mới về giá. Theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), sau khi tăng trưởng trong 38/52 tuần trước đó, các quỹ ETF vàng được niêm yết tại châu Á ghi nhận mức giảm 5,3 tấn trong hai tuần qua – mức giảm mạnh nhất trong hai tuần kể từ mùa xuân năm 2022.
Ngược lại, các quỹ ETF vàng ở châu Âu và Bắc Mỹ báo giảm hàng tháng từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024, kéo dài chuỗi chốt lời gần như không ngừng nghỉ của các nhà đầu tư vàng. Tuy nhiên, các quỹ tín thác ở châu Âu và Bắc Mỹ đều mở rộng danh mục đầu tư vàng trong 7 tuần qua, đây là đợt mở rộng mạnh nhất trong 27 tháng.
Tuần trước, quỹ ETF số 2 thế giới mang tên IAU (niêm yết chính tại New York) đã mở rộng danh mục thêm 0,2%, nâng quy mô danh mục lên gần 1.227 tấn của cuối tháng 7, mức cao nhất vào cuối tháng, tính từ đầu năm đến nay.
Ông Jonathan Butler, Giám đốc phát triển kinh doanh và chiến lược tại bộ phận kinh doanh kim loại quý của Tập đoàn Mitsubishi cho biết, các nhà đầu tư phương Tây “đã định vị lại theo hướng có lợi cho vàng trong vài tháng qua”.
Với kỳ vọng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng tới, “dòng tiền đầu tư gần đây chỉ bằng 1/4 dòng tiền chảy vào được ghi nhận trong dòng chảy 2 tháng ở chu kỳ cắt giảm lãi suất năm 2019”, chiến lược gia Nicky Shiels tại tập đoàn tài chính và tinh chế vàng MKS Pamp lưu ý.
Cho nên, ngay cả khi giá vàng vượt mốc 2.500 USD/ounce, điều đó “không có nghĩa là tất cả các nhà đầu tư đều đã dùng hết hiệu suất”, bà Shiels khẳng định.