Với 20 năm kinh nghiệm trong ngành xây dựng, từng trải qua nhiều vị trí từ nhà thầu, đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng, cho đến vai trò là khách hàng có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà, Đỗ Quý Sự cho biết anh hiểu rất rõ nỗi đau của ngành, đặc biệt là thực trạng người lao động trong lĩnh vực xây dựng phải đi làm xa, chồng chéo nhau về mặt địa lý.
“Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tôi cũng như nhiều doanh nghiệp khác khó khăn trong việc đưa thợ thầu công nhân về quê để tránh dịch. Người làm trong nghề xây dựng phải sống xa gia đình, con thì nhớ cha, vợ nhớ chồng và muốn có được bữa cơm đầm ấm gia đình. Chính vì vậy tôi đã tìm giải pháp để giải quyết nỗi đau của ngành mình. Đó là sàn thương mại điện tử 5 Sao FIVESS”, Đỗ Quý Sự kể lại.
Theo nhà sáng lập, FIVESS sẽ giúp kết nối khách hàng có nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà với các thợ thầu hoặc thợ vệ sinh điều hòa, sửa chữa điện nước, điện lạnh trên toàn quốc.
Nhà sáng lập Đỗ Quý Sự giới thiệu về ứng dụng FIVESS |
Chính thức được Bộ Công Thương cấp phép vào tháng 6/2023, đến thời điểm hiện tại, FIVESS đã có 8.000 user (người dùng), chủ yếu tập trung ở Đà Nẵng, trong đó có hơn 600 người dùng là nhà cung cấp dịch vụ. Đỗ Quý Sự tiết lộ, mỗi ngày có khoảng 2.000 user truy cập vào app (ứng dụng).
Theo ước tính của Đỗ Quý Sự, tiềm năng của thị trường sửa chữa, chăm sóc nhà cửa là rất lớn với quy mô khoảng 237 nghìn tỷ mỗi năm. Mong muốn chiếm lĩnh thị trường trên toàn quốc và phát triển thêm các tính năng chuyên sâu của app, anh đến Shark Tank Việt Nam mùa 7 kêu gọi đầu tư 85 ngàn USD cho 3,5% cổ phần.
Nói về lợi thế của FIVESS, Đỗ Quý Sự nêu lên 3 điểm. Thứ nhất, thợ thầu được FIVESS tuyển chọn về pháp lý rõ ràng. Thứ hai, nền tảng này có chế độ bảo lãnh thợ thầu, nếu đội thợ này làm không tốt hoặc đang ở xa thì khách hàng có thể lựa chọn đội thợ khác trên FIVESS. Thứ ba, chứng từ giao dịch đều được lưu trữ lại trên nền tảng.
Trả lời cho câu hỏi của Shark Minh Beta về giá các dịch vụ, Đỗ Quý Sự cho biết, FIVESS có bảng giá tham khảo, được xây dựng trên cơ sở insight của startup với mức chi phí ngang bằng thị trường.
Sau khi lắng nghe trình bày của Đỗ Quý Sự, Shark Hưng nhận xét rằng vai trò của FIVESS là trung gian đảm bảo hài hòa lợi ích của khách hàng với thợ thầu. “Phải đảm bảo hài hoà bởi vì nếu không người ta sẽ không chơi với mình nữa. Đây là cái key thành công của việc này”, Shark Hưng chia sẻ.
Đáp lại, Đỗ Quý Sự cho biết hiện nay ngoài bảo lãnh thợ thầu cho khách hàng, FIVESS còn có chế độ bảo lãnh thanh toán cho các thợ để tránh tình trạng thợ đã hoàn thành công việc nhưng bị quỵt tiền. Nhưng điều này lại khiến Shark Hưng không khỏi thắc mắc về việc startup đã làm môi giới còn kèm theo bảo lãnh.
Shark Bình đánh giá UI, UX của FIVESS chưa có sự chuyên nghiệp, bài bản |
>> ‘Dựng nền’ trong 14 năm, startup công nghệ được các Shark đề nghị ‘đập đi xây lại’
Sau một hồi tìm hiểu, Đỗ Quý Sự đã làm rõ được rằng vai trò của FIVESS là kết nối các bên và hỗ trợ tư vấn về việc bảo lãnh thanh toán để đảm bảo giao dịch thành công. Trên mỗi giao dịch, FIVESS sẽ thu 3% hoa hồng. Ngoài ra FIVESS còn thu phí mở gian hàng và phí thành viên của nhà thầu có mức dao động từ 2-20 triệu mỗi năm.
Tính từ đầu năm đến hết tháng 5/2024, FIVESS đã ghi nhận GMV (tổng giá trị giao dịch) là 41 tỷ, mang lại doanh thu hơn 600 triệu đồng.
Shark Thái nhận xét startup đang cố gắng tận thu tất cả mọi thứ. Phó Chủ tịch Thái Hương khuyên startup nên làm phần mềm đơn giản bởi đây là phần mềm môi giới. Ông cũng khuyên startup chỉ nên thu phí môi giới cố định trên mỗi nhu cầu của khách hàng thay vì khai thác thêm tính năng liên quan đến thẩm định tài chính và ngân hàng. Dưới góc độ của nhà đầu tư, Shark Thái từ chối thương vụ này.
Đồng quan điểm với Shark Thái, Shark Nga cho rằng startup nên tập trung vào giá trị mang đến cho cộng đồng là sự tiện lợi, chi phí rẻ và đa dạng trên nền tảng của mình. “Tiêu chí đó mà không đạt thì user sẽ thấp và mình sẽ đi một thị trường hẹp. Bạn chỉ tập trung vào membership, bạn chỉ lấy phí thành viên của những người cung ứng dịch vụ và những người user thì bạn chỉ lấy số tiền nhỏ trên một deal”, Shark Lê Mỹ Nga đưa ra gợi ý để startup có thể đạt được lượng user cao hơn thay vì con số 8.000 như hiện tại và cũng rời khỏi thương vụ.
Shark Minh Beta thì lại bày tỏ sự băn khoăn về việc khách hàng có nhu cầu sửa chữa nhà cửa thường thích gọi thợ quen bởi họ đã hiểu ngôi nhà. Chính vì thế, Chủ tịch Beta Group cũng rời khỏi thương vụ bởi nghi ngại startup khó có lợi thế để phát triển nhanh.
Là doanh nhân có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực công nghệ, Shark Bình đánh giá UI (user interface giao diện người dùng), UX (user experience trải nghiệm người dùng) của startup chưa có sự chuyên nghiệp, bài bản.
Ngoài ra, Shark Bình cũng nhận định startup có nghề về nhà thầu nhưng chưa có nghề vận hành một sản phẩm công nghệ, cũng chưa thực sự hiểu biết về các chỉ số kinh doanh hàng ngày. “Cái lĩnh vực này bạn sẽ phải chuẩn bị một kho tiền cực lớn, hàng trăm tỷ thậm chí hàng nghìn tỷ để tài trợ cho cung cầu, chứ không phải bạn đến nói chuyện với họ là họ sẽ để dành thợ cho mình đâu. Đó là bình thường chứ tới lúc cao điểm bạn gọi không có gì là áp vào bạn là “chết” ngay. Còn nếu không thì bạn phải growth hack cực giỏi. Tôi khó tin rằng là bạn sẽ thành công, nên vậy tôi quyết định không đầu tư”, Shark Bình nói.
Shark Hưng thì đánh giá startup đang lúng túng về mô hình thu tiền trong nền tảng và khuyên startup nên xác định thu cái gì là chính, cái gì là phụ. “Bạn cũng là một người làm nhà thầu cho nên là bạn hiểu nỗi đau của nhà thầu, tạo nên một nền tảng kiểu như là bạn nghĩ là rất bênh vực nhà thầu, rất có lợi cho nhà thầu, được bảo lãnh, được việc làm, đấy là bạn nghĩ như vậy. Nhưng mà trong vấn đề thương mại điện tử thì nó không hoàn toàn như vậy”, Shark Hưng phân tích và cho rằng FIVESS có thể đưa thêm công nghệ AI để trải nghiệm trên nền tảng trở nên thú vị hơn.
Đỗ Quý Sự chấp nhận lời đề nghị đầu tư 85 ngàn USD đổi lấy 12,5% cổ phần của Shark Hưng |
Sở hữu một học viện về trí tuệ nhân tạo và có thể bổ sung thêm năng lực công nghệ cho startup, Shark Hưng đề nghị đầu tư 85 ngàn USD cho 20% cổ phần.
Sau khi Đỗ Quý Sự cho biết anh có thể chia sẻ 5% với số vốn đầu tư là 85 ngàn USD, Shark Hưng cho biết startup còn phải dùng rất nhiều tiền chứ không chỉ số vốn đang kêu gọi trên Shark Tank. Ngoài ra, ông gợi ý dịch vụ của startup cũng có thể kết hợp với hệ sinh thái dịch vụ bất động sản của ông để bán kèm cho người mua nhà.
Sau một hồi “giằng co”, Đỗ Quý Sự đưa ra con số cổ phần là 10%, còn Shark Hưng nêu ra mức 12,5%. Cuối cùng, Đỗ Quý Sự chấp nhận lời đề nghị đầu tư 85 ngàn USD đổi lấy 12,5% cổ phần của Shark Hưng, khép lại thương vụ gọi vốn thành công.
>> Box Dance: Mô hình phòng game định giá khủng khiến shark Minh Beta giật mình