Những phát biểu của bà Christine Lagarde, Chủ tịch ECB đưa ra trong chưa đầy một ngày sau khi ECB quyết định cắt giảm lãi suất lần thứ hai kể từ tháng 6, đưa ra tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang có xu hướng chờ đến tháng 12 để có động thái tiếp theo về lãi suất.
ECB cho biết, sẽ phụ thuộc vào dữ liệu và từ chối loại trừ khả năng hành động ngay trong những tháng tới. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng cần phải có sự suy giảm đáng kể hơn về triển vọng tăng trưởng hoặc nới lỏng mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để thay đổi tốc độ cắt giảm lãi suất theo quý.
“Chúng tôi xem xét mọi thứ và nếu có thay đổi đáng kể so với mức cơ sở của chúng tôi, chúng tôi sẽ đánh giá lại”, bà Christine Lagarde cho biết.
Francois Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp cho biết, các nhà hoạch định chính sách nên tiếp tục hạ lãi suất”dần dần”.
“Tốc độ phải rất thực tế… Chúng tôi không cam kết trước về bất kỳ lộ trình lãi suất cụ thể nào và chúng tôi giữ nguyên toàn bộ quyền quyết định của mình cho các cuộc họp tiếp theo”, ông cho biết.
Martins Kazaks, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Latvia cho biết: “Xác suất cắt giảm lãi suất vào tháng 10 thì không lớn nếu nhìn vào thị trường tài chính… Đồng thời, nếu nền kinh tế bất ngờ bị ảnh hưởng và nếu nền kinh tế yếu hơn đáng kể so với dự kiến hiện tại và lạm phát cũng giảm đáng kể, thì tất nhiên chúng ta cũng có thể cân nhắc cắt giảm lãi suất”.
Có một số đánh giá tích cực hơn về xu hướng của lạm phát, với Joachim Nagel, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức đã mô tả triển vọng là “rất tốt”.
“Chúng tôi cho rằng và dữ liệu ủng hộ chúng tôi rằng chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu lạm phát là 2% vào cuối năm tới… Danh mục dữ liệu là như vậy để biện minh cho việc cắt giảm lãi suất mới đây”, ông cho biết.
Sau một thời gian ngắn phục hồi vào đầu năm, động lực tăng trưởng của châu Âu đang suy yếu, trong đó các nhà sản xuất vẫn đang phải gánh chịu chi phí năng lượng cao hơn và nhu cầu suy yếu.
Olli Rehn, Thống đốc Ngân hàng Trung ương của Phần Lan cho biết: “Tăng trưởng vẫn chậm ở khu vực đồng euro và rủi ro giảm tăng trưởng đã tăng lên trong suốt mùa hè…Do đó, chúng tôi duy trì được toàn quyền tự do hành động và linh hoạt trong việc đưa ra quyết định về lãi suất trong các cuộc họp trong tương lai”.
Cựu chuyên gia kinh tế trưởng của ECB Peter Praet cho rằng “kịch bản tốt nhất” đối với các quan chức nhà hoạch định chính sách ECB là cắt giảm lãi suất vào tháng 12. Nhưng các yếu tố như việc Fed giảm lãi suất nhiều hơn vào tuần tới vẫn có thể khiến động thái cắt giảm lãi suất trong tháng 10 trở thành hiện thực.
“Tháng 12 còn xa, nhiều thứ có thể xảy ra…Vì vậy, ECB đã cố gắng duy trì tính tùy chọn”, ông cho biết.