Trưa ngày 14/9, tại nhiều tuyến đường ở TPHCM như Quang Trung (quận Gò Vấp), Hùng Vương (quận 5), Nguyễn Văn Cừ (quận 1)… các quầy bánh trung thu đều treo bảng khuyến mãi, giảm giá. Cụ thể, khách mua 1 hộp thành 4 hộp; mua 1 bánh được tặng thêm 3 – 4 bánh; 20.000 đồng/cái bánh trung thu…
Tại sạp bánh trên đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5), nhân viên chào mời mua bánh trung thu nhân vi cá gà quay, xá xíu thập cẩm… với giá 285.000 đồng/cái loại 250gram. “Khi chị mua một cái bánh sẽ được bên em tặng thêm 3 bánh cùng loại hoặc khác loại nhưng tương đương với giá tiền” – nhân viên nói.
Khi chúng tôi hỏi hỏi bán giảm giá vậy có lời không? Nhân viên cười và cho biết, bán huề vốn chứ không lời bao nhiêu. Cũng theo người này, dù đã giảm giá kịch trần nhưng lượng khách đến mua rất ảm đạm.
“Chỉ còn ít ngày nữa là đến trung thu nên chúng em giảm giá hết cỡ để bán hết hàng. Thế nhưng lượng khách đến mua rất ít. Do ảnh hưởng đợt bão Yagi vừa qua, nhiều nơi hoãn tổ chức Tết Trung thu, vì vậy khách không đến mua bánh số lượng lớn như lúc trước. Thậm chí có khách quen đã liên hệ mua bánh trước đó, nay cũng hủy đơn hàng vào phút chót” – anh Bình, chủ một sạp bánh trung thu trên đường Cống Quỳnh (quận 1) nói.
Trong khi đó, nhiều khách hàng cho biết, dù mang tính giảm giá, khuyến mãi nhưng các điểm kinh doanh bánh trung thu ở vỉa hè này không đúng giá thật. Theo bà Minh, một chiếc bánh trung thu gà quay 250gram không thể có giá tới 285.000 đồng/cái. Mua một cái bánh rồi tặng thêm 3 cái khác, như vậy tính ra một hộp bánh 4 cái sẽ có giá 285.000 đồng.
“Bình thường tôi vào siêu thị chọn một hộp bánh có thương hiệu uy tín, giá cũng chỉ tầm 250.000 – 260.000 đồng/4 cái. Giá này chưa khuyến mãi, nếu siêu thị khuyến mãi sẽ còn rẻ hơn. Nếu so sánh giá với sạp vỉa hè, việc khuyến mãi ở các sạp này theo tôi, đó chỉ là cách kích thích người tiêu dùng mua 1 được thêm 4 cái, chứ thực ra vẫn không giảm gì, thậm chí giá vẫn còn cao” – bà Minh nói.
Khi thấy sạp bánh trung thu trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức) treo bảng giá giá bánh chỉ còn 20.000 – 25.000 đồng/cái, anh Thanh Bình (29 tuổi, nhân viên văn phòng) liền tấp xe vào hỏi mua. Tuy nhiên anh mới vỡ ra, đây là loại bánh nhỏ chỉ 100gram. Bánh chỉ có phần bột và ít nhân đậu.
Ở chợ truyền thống, bánh trung thu cũng được tiểu thương bày bán với giá rất rẻ, từ 25.000 – 55.000 đồng/cái. Thế nhưng đa số bánh đều có thương hiệu lạ hoắc, hoặc chỉ có mỗi chữ bánh trung thu được in trên bao bì nhựa. Không ít trong số đó còn là bánh “ 3 không ”: không nhãn mác , không thương hiệu, không ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Bày bán bánh trung thu bên cạnh mâm cá khô bên hông chợ Hồ Trọng Quý (quận 6), tiểu thương cho biết bánh này rất ngon, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm vì không dùng chất phụ gia, chất bảo quản…
“Có khách đặt mua một lúc cả chục hộp để làm quà biếu. Nếu chị mua 4 cái, em sẽ tặng thêm hộp sang trọng. Hiện em chỉ còn số lượng ít để bán lẻ vì đã gần đến trung thu nên chị tranh thủ mua, mỗi năm em chỉ bán bánh này một mùa thôi” – tiểu thương đon đả.
Bánh trung thu ở chợ truyền thống không chỉ xuất hiện ở các quầy bánh kẹo mà còn được bán chung với rau củ, thủy hải sản… Bánh có giá từ 40.000 – 50.000 đồng/cái. Nếu trả giá còn được giảm thêm khoảng 5.000 đồng.
Theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, những năm trở lại đây, thị trường bánh trung thu ở TPHCM rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng bắt mắt, giá thành hợp lý được nhập bằng con đường chính ngạch, tiểu ngạch và do các cá nhân tự sản xuất thủ công được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Xác định các mối nguy cơ về an toàn thực phẩm đối với các loại bánh trung thu này, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã chỉ đạo các đội tăng cường quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Sở An toàn thực phẩm TPHCM cũng phối hợp các ban ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu.