Một ngày trước khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo quyết định cắt giảm lãi suất 0,5% lần đầu sau 4 năm, thị tường chứng khoán châu Á trong trọng thái im ắng.
Ngay sau khi Fed ra quyết định cuối ngày 18/9, chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm phiên 19/9, trái ngược với sắc đỏ của Phố Wall. Các chỉ số như chỉ số Nikkei 225, Hang Seng, Shanghai Composite đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong nước, VN-Index kết phiên tăng 6,4 điểm và vượt trở lại mốc 1.270 với thanh khoản thận trọng.
Trong báo cáo chuyên đề vừa được Chứng khoán An Bình (ABS) công bố, công ty này nhấn mạnh, so với mức giảm lãi suất 0,25%, một mức giảm lớn hơn (0,5%) sẽ cho phép dòng tiền lưu thông dễ dàng hơn, mang lại động lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng khi việc giảm lãi suất mạnh hơn đồng nghĩa với việc Fed thừa nhận rằng nền kinh tế đang suy yếu và cần đến sự thúc đẩy cấp tốc để hỗ trợ thị trường lao động.
Nguồn: ABS Research |
ABS nhấn mạnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi của tháng 8 khi loại bỏ các chi phí thực phẩm và khí đốt, đã tăng 0,3% so với tháng trước, cao hơn kỳ vọng của thị trường là 0,2%. Do đó, Fed vẫn cần phải thận trọng trong quá trình hạ lãi suất để tránh thúc đẩy lạm phát quay lại.
Mặt khác, việc cắt giảm 50 điểm cơ bản lần này có thể gây xáo trộn mạnh một cách không cần thiết trên thị trường tiền tệ ngắn hạn, nhất là sau khi đường cong lãi suất đã không còn đảo ngược như trước.
Fed giảm lãi suất tác động gì tới kinh tế Việt Nam?
Theo Chứng khoán An Bình, việc Fed hạ lãi suất đem đến nhiều kỳ vọng:
– Giảm lãi suất USD giúp giảm chi phí lãi các khoản nợ bằng USD cho bên vay tiền là Chính phủ, doanh nghiệp và cá nhân tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung. Lãi suất USD giảm tạo điều kiện cho các NHTW trên thế giới hạ lãi suất theo, thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Điều này giúp tăng thu nhập và tiêu dùng của người Mỹ, qua đó cải thiện nhu cầu với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu.
– Giảm lãi suất USD dẫn đến giảm áp lực đối với tỷ giá VND/USD và lãi suất tiền đồng (VND). Điều này giúp: (1) Giảm chi phí vay vốn bằng ngoại tệ của Việt Nam; (2) hỗ trợ kiềm chế lạm phát do tỷ giá tăng gây ra do Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, nguyên vật liệu sản xuất chế biến chế tạo…; (3) ổn định thị trường ngoại hối, góp phần xây dựng niềm tin vào giá trị đồng nội tệ trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
– Tạo điều kiện để NHNN có thêm dư địa điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.
Thời gian vừa qua, NHNN đã định hướng điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, bao gồm giữ mặt bằng lãi suất ở mức thấp ổn định và tăng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên quá trình này gặp phải khó khăn khi lãi suất USD duy trì ở mức cao đã gây áp lực lớn về tỷ giá.
Xét về lãi suất: Trước triển vọng Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 9, NHNN đã thực hiện giảm lãi suất cho vay OMO lần đầu tiên kể từ cuối năm 2023 từ 4,5% về 4,25% ngày 5/8, lần 2 về 4% vào ngày 16/9. Việc giảm lãi suất OMO cho thấy định hướng hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng của NHNN, qua đó thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới.
Về tăng trưởng tín dụng: NHNN đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm các biện pháp: (i) Từng bước hạ lãi suất cho vay (lãi suất cho vay mới hiện hành trung bình là 6,23% – giảm 0,86% so với cuối năm 2023; lãi suất huy động là 3,84% – tăng 0,23%); (2) triển khai các gói tín dụng ưu đãi như gói cho xuất khẩu thủy hải sản đã giải ngân 36.000 tỷ đồng (dự kiến tăng lên 50.000-60.000 tỷ đồng), gói tín dụng nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng cũng sẽ tiếp tục tăng tính ưu đãi, lãi suất giảm bớt; (3) hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra (bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão…