spot_img
33 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánVụ Vạn Thịnh Phát: Khi người thân của bị cáo là nạn...

Vụ Vạn Thịnh Phát: Khi người thân của bị cáo là nạn nhân

Tại phiên xét xử sơ thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, các cựu lãnh đạo của SCB nghẹn lời thừa nhận chính người thân trong gia đình của mình cũng là bị hại trong vụ án.

Chiều ngày 20/9, TAND TP. HCM xét hỏi một số cựu lãnh đạo và nhân viên của SCB về cáo buộc giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát phát hành các gói trái phiếu khống, lừa bán cho 35.824 trái chủ chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Khi người thân của bị cáo là nạn nhân
Bị cáo Trương Khánh Hoàng

Trả lời HĐXX, bị cáo Trương Khánh Hoàng, cựu quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB, thừa nhận hành vi đúng như cáo trạng nêu.

Hoàng được Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc SCB, đã chết) thông báo về chủ trương của bà Lan là chọn Công ty Setra phát hành lô trái phiếu có giá trị 2.000 tỷ đồng để lấy tiền trả lãi cho 3 gói trái phiếu do Công ty An Đông phát hành.

Hoàng sau đó đã chỉ đạo Trịnh Quang Công, Tổng Giám đốc Công ty Acumen (thuộc Vạn Thịnh Phát) phối hợp Trần Thị Mỹ Dung (Phó Giám đốc SCB), Nguyễn Phương Anh (Phó Giám đốc Tài chính Công ty Sài Gòn Peninsula) lên phương án chạy dòng tiền khống tạo lập nhà đầu tư sơ cấp, giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chủ trương của bà Lan. Hành vi của Hoàng và đồng phạm đã giúp bà Lan chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.

Hoàng khai, trước khi được bà Lan mời về làm việc tại SCB, bị cáo là nhân viên công ty bất động sản nên không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính chứng khoán. Hơn nữa, trước khi vào làm việc tại SCB thì việc phát hành trái phiếu đã được thực hiện.

Tại thời điểm làm theo chủ trương của bà Lan, bị cáo được giao làm quyền Tổng Giám đốc SCB. “Vì không có tiền để chi trả lãi cho các nhà đầu tư mua trái phiếu của Công ty An Đông đã phát hành trước đó, quá áp lực, sốt ruột nên bị cáo đã có những hành vi sai trái, đồng ý với chủ trương từ bà Lan phát hành trái phiếu Setra”, Hoàng nói.

Khi được tòa hỏi “nhận thức thế nào về hành vi đã thực hiện”, bị cáo Hoàng nói rất ân hận, xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình cùng đồng phạm. “Hành vi của bị cáo là sai phạm. Bị cáo rất đau xót về việc làm của mình, càng đau xót hơn khi mẹ, dì của bị cáo cũng là những bị hại trong vụ án”, Hoàng nói.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Khi người thân của bị cáo là nạn nhân
Bị cáo Bùi Anh Dũng

Tương tự, trả lời HĐXX sau đó, bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu chủ tịch HĐQT SCB) thừa nhận toàn bộ hành sai phạm và xin chịu trách nhiệm về những việc đã làm.

Ông Dũng bị cáo buộc khi là Giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành đã tiếp nhận thông tin từ Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng Giám đốc SCB), sau này là Trương Khánh Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung, chỉ đạo nhân viên đi nộp tiền, chuyển, rút tiền khống giúp cho Công ty Setra phát hành trái phiếu theo chủ trương của bà Lan. Hành vi của ông Dũng giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt 2.000 tỷ đồng của 2.431 bị hại.

Ông Dũng cho biết, tại thời điểm giúp bà Lan phát hành trái phiếu chỉ biết làm theo chỉ đạo vì tin tưởng bà Lan và cấp trên nên không biết hành vi của mình là sai phạm, gây hậu quả lớn. “Vợ và nhiều người thân của bị cáo cũng mua trái phiếu qua SCB”, ông Dũng nói.

HĐXX thông báo, sáng thứ hai tuần sau (23/9) sẽ xét hỏi bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo còn lại trong nhóm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật