spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếĐức bất ngờ hạn chế nhập cảnh từ khối Schengen, khiến các...

Đức bất ngờ hạn chế nhập cảnh từ khối Schengen, khiến các nước láng giềng châu Âu phẫn nộ

Biện pháp mạnh tay mà Đức – nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vừa áp dụng nhằm nạn di cư bất hợp pháp – đang gây ra làn sóng phẫn nộ không hề nhỏ từ các quốc gia “hàng xóm.

Hãng tin CNN cho biết Đức đã bắt đầu kiểm soát toàn bộ biên giới đất liền của mình như một phần trong chiến dịch trấn áp vấn nạn di cư khi nước này áp đặt các hạn chế đối với một khu vực rộng lớn được gọi là Khu vực Schengen và gây ra sự phẫn nộ trong các nước láng giềng châu Âu.

Từ tuần trước, ngoài việc kiểm soát biên giới hiện có với Áo, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc và Ba Lan, Đức hiện cũng sẽ kiểm soát biên giới nội bộ với Pháp, Luxembourg, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch.

Đức bất ngờ hạn chế nhập cảnh từ khối Schengen, khiến các nước láng giềng châu Âu phẫn nộ - ảnh 1

Cảnh sát Cộng hòa Liên bang Đức kiểm tra xe ô tô đến biên giới Đức – Ba Lan vào ngày 10/9. Ảnh: Maja Hitij/Getty Images

Berlin sẽ có quyền từ chối bất cứ người nhập cư nào tại mọi biên giới đất liền, một tuyên bố từ Bộ Nội vụ Đức cho biết. Các quy tắc mới sẽ có hiệu lực trong 6 tháng đầu tiên.

Động thái này đánh dấu sự thay đổi lớn của nước Đức trong những năm gần đây về vấn đề nóng hổi là di cư.

>> Vụ nổ kinh hoàng tại nhà máy hóa chất lớn nhất nước Đức: 14 người bị thương, khói độc bao trùm

Chính phủ Đức dưới thời cựu nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chào đón hơn 1 triệu người mới đến quốc gia Tây Âu này trong cuộc khủng hoảng di cư giai đoạn năm 2015-2016 nhưng hiện họ đang theo chân các nước châu Âu khác trong việc thắt chặt các quy định khi phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng của phe cực hữu.

Sự kiện này diễn ra sau khi Đức đạt được thỏa thuận di cư có kiểm soát với Kenya vào thứ Sáu tuần trước (13/9), theo đó Berlin sẽ mở cửa cho những công nhân lành nghề và bán lành nghề người Kenya nhập cư.

Đức bất ngờ hạn chế nhập cảnh từ khối Schengen, khiến các nước láng giềng châu Âu phẫn nộ - ảnh 2

Một cảnh sát Đức cầm biển báo có dòng chữ “Dừng lại, cảnh sát đây!” khi theo dõi những chiếc xe đang tiến đến biên giới Đức – Ba Lan. Ảnh: Maja Hitij/Getty Images

Khi công bố những thay đổi, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết quốc gia này đang “tăng cường an ninh nội địa thông qua hành động cụ thể” và tiếp tục “lập trường cứng rắn chống lại tình trạng di cư bất hợp pháp”.

Bà Faeser ám chỉ động thái này nhằm bảo vệ công dân Đức khỏi những nguy hiểm do chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo gây ra cũng như tội phạm xuyên biên giới nghiêm trọng.

>> Siêu cường lung lay: Ngành ‘xương sống’ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chìm trong khủng hoảng

Động thái cứng rắn kể trên đã đặt sự thống nhất của khối Liên minh châu Âu (EU) vào thử thách và thu hút sự chỉ trích từ các nước láng giềng của Đức.

Được biết, Đức là một phần của khu vực không biên giới Schengen. Theo các quy định của EU, các quốc gia thành viên có khả năng tạm thời tái lập kiểm soát biên giới tại các biên giới nội bộ trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng đến chính sách công hoặc an ninh nội bộ. Tuy nhiên, điều này phải được áp dụng như một biện pháp cuối cùng.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết việc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn tại biên giới đất liền là không thể chấp nhận được đối với Ba Lan, đồng thời cho biết Warsaw sẽ yêu cầu đàm phán khẩn cấp với tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng. Cả Hy Lạp và Áo đều cảnh báo rằng họ sẽ không chấp nhận những người di cư bị Đức từ chối cho nhập cảnh.

Gần hơn, Hội đồng Di cư Đức cảnh báo rằng kế hoạch này có nguy cơ vi phạm luật pháp EU.

“Mục tiêu chính sách hiện tại là quay trở lại (những người di cư) tìm kiếm sự bảo vệ tại biên giới Đức đại diện cho một hình thức chủ nghĩa dân túy nguy hiểm trong cuộc tranh luận về chính sách di cư”, một tuyên bố cho biết, đồng thời kêu gọi một “cuộc tranh luận dựa trên bằng chứng về chính sách di cư ở châu Âu”.

Chính phủ Đức, do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu, đã thúc đẩy hành động để giải quyết tình trạng nhập cư không kiểm soát sau khi nhận được nhiều chỉ trích vì không có những biện pháp đủ mạnh để giải quyết vấn đề kể trên.

Chính sách của đất nước này đối với vấn đề di cư đã trở nên cứng rắn hơn trong những năm gần đây trước sự gia tăng đột biến của dòng người nhập cư – đặc biệt là từ Trung Đông và Ukraine – cũng như các cuộc tấn công khủng bố có động cơ từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Trong khi đó, liên minh cầm quyền đang tìm cách đối phó với sự lớn mạnh của đảng cực hữu Sự lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) đang phát triển mạnh mẽ ở nước này, một đảng nổi tiếng với quan điểm chống người nhập cư và bài Hồi giáo.

Gói an ninh mới đã được giới chức đưa ra sau vụ tấn công ở thành phố Solingen, phía Tây nước Đức khiến 3 người bị đâm chết vào ngày 23/8.

Nghi phạm được xác định là một người đàn ông Syria 26 tuổi bị cáo buộc có liên hệ với tổ chức khủng bố tự xưng “Nhà nước Hồi giáo” (ISIS), người trước đó đã bị trục xuất khỏi Đức.

Theo tạp chí danh tiếng Forbes, Đức đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới hiện tại. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến ngày 11/9/2024, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức là 4,59 nghìn tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ (28,78 nghìn tỷ USD) và Trung Quốc (18,53 nghìn tỷ USD), trong khi Nhật Bản (4,11 nghìn tỷ USD) và Ấn Độ (3,94 nghìn tỷ USD) lần lượt là 2 nước cuối cùng xếp trong top 5 quốc gia giàu nhất thế giới.

Theo CNN

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật