Ngày 11/6, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau – Đạm Cà Mau (Mã DCM – HoSE) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2024. Đại hội thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2024 ở mức 11.878 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 795 tỷ đồng – giảm 43% so với kết quả năm trước đó.
Một công ty chứng khoán dự báo Đạm Cà Mau có thể lãi gấp hơn 2 lần so với kế hoạch năm 2024 |
Kế hoạch này dựa trên kịch bản sản xuất 892.000 tấn sản lượng Urê quy đổi và 180.000 tấn NPK. Về tiêu thụ, công ty lên kế hoạch bán 748.500 tấn urê, đạm chức năng 110.000 tấn, NPK 180.000 tấn và phân bón tự doanh 248.000 tấn.
Ban lãnh đạo đánh giá nền kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn khi các động lực tăng trưởng toàn cầu đều đã tới hạn. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam được dự báo khá lạc quan và doanh nghiệp cho rằng đây là thời điểm để tăng tốc, thực hiện các mục tiêu đề ra theo kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Năm 2024, doanh nghiệp có kế hoạch chia cổ tức 10% – bằng 1/2 tỷ lệ chi trả của năm 2023. Lý do được ban lãnh đạo đưa ra bởi công ty cần chi phí đầu tư khá lớn để thực hiện kế hoạch trọng tâm cho 3 lĩnh vực chính: Đầu tư, chuyển đổi số và ESG.
Tháng 5 vừa qua, Đạm Cà Mau đã hoàn thành giao dịch mua 100% phần vốn góp tại công ty Phân bón Hàn – Việt (KVF) từ Tập đoàn Taekwang (Hàn Quốc). KVF hiện có vốn điều lệ gần 2.054 tỷ đồng.
Tại Đại hội, Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh cho biết, kể từ năm 2016 khi nhà máy Hàn – Việt đi vào hoạt động đến nay đã liên tục thua lỗ. Tuy nhiên, từ khi tái cấu trúc trong tháng 5 và đưa vào hệ sinh thái Đạm Cà Mau, nhà máy này đã bắt đầu có lãi.
Về kế hoạch đầu tư, công ty tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp (trong đó có dự án M&A một Nhà máy sản xuất NPK) và triển khai 7 dự án mới; chuẩn bị tìm kiếm cơ hội đầu tư 11 dự án.
DCM đặt kế hoạch lợi nhuận thấp để dễ vượt chỉ tiêu?
Dù đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng song thực tế chỉ sau quý đầu năm, Đạm Cà Mau đã thu về khoản lãi sau thuế 349 tỷ đồng – tăng gấp rưỡi cùng kỳ và đã thực hiện được 43% mục tiêu đã đề ra.
Kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau |
Trong tháng 6/2024, dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT) sẽ được đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong dự thảo này, mặt hàng phân bón được đề xuất đưa vào diện chịu thuế VAT 5% (thay vì không chịu thuế như hiện tại). Theo đó, Đạm Cà Mau có thể hưởng lợi nhờ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào thay vì trích lập vào chi phí sản xuất kinh doanh và có thể cạnh tranh tốt hơn với các mặt hàng phân bón nhập khẩu.
Công ty Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng, năm 2024, ông lớn ngành phân bón có thể đạt mức doanh thu 14.526 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của NPK và Ure lần lượt tăng 57% và 45% so với cùng kỳ nhờ nhà máy ure hết khấu hao hỗ trợ lợi nhuận gộp tăng trưởng tốt bất chấp việc giá khí đầu vào tăng. Theo đó, lãi sau thuế dự kiến của Đạm Cà Mau có thể đạt 1.734 tỷ – tăng 56,2% so với cùng kỳ năm 2023 và gấp 2,2 lần kế hoạch đã đề ra.