spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpChủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh: 'Chỉ trồng lúa...

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh: ‘Chỉ trồng lúa thì người dân không khá nổi’

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh (QPAN) Lê Tấn Tới, việc quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản là đất trồng lúa đã hạn chế tiềm năng phát triển của vùng.

Chiều ngày 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa ra ý kiến về tờ trình quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại tờ trình, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia nói trên, và sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2025.

Ông Ngân cũng cho biết, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất, bao gồm nhóm đất nông nghiệp và nhóm đất phi nông nghiệp.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định rằng, quá trình tính toán và xác định các chỉ tiêu trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh lần này phải được rà soát cẩn trọng, đảm bảo cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh (QPAN) Lê Tấn Tới, đã đề xuất nghiên cứu kỹ lưỡng để phân bổ hợp lý diện tích đất trồng lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các khu vực khác, đồng thời đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đặc biệt là sự phát triển hợp lý của ngành công nghiệp và các ngành khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh: 'Chỉ trồng lúa thì người dân không khá nổi'
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới

>> Phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm đồng bộ trong điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Theo ông Tới, việc quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản là đất trồng lúa đã hạn chế đáng kể tiềm năng phát triển của khu vực, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. “Tôi suy nghĩ rằng, trồng lúa rất là tốt rồi. Nhưng không có đất nước, nơi nào giàu lên do trồng lúa hết mà phải phát triển công nghiệp và dịch vụ khác”, ông Tới chia sẻ.

Ông cũng nhắc lại rằng, vào thời kỳ bao cấp, khi cả nước đang thiếu lương thực, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng vai trò quan trọng trong việc cứu trợ lương thực cho các vùng khác. “Nhưng mấy chục năm qua, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn nghèo. Chỉ trồng lúa thì người dân không khá nổi. Tôi đề nghị điều chỉnh đất trồng lúa hợp lý giữa vùng miền và thứ hai là để phát triển công nghiệp hợp lý”, ông Tới bày tỏ.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh rằng, nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phân bổ một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rằng việc điều chỉnh quy hoạch cần tuân thủ các yêu cầu về phát triển hạ tầng, đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng và hệ sinh thái; đồng thời, phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định tầm quan trọng của an ninh lương thực: “Nước ta từ mấy chục năm nay vấn đề an ninh lương thực hết sức quan trọng. Vì sao chúng ta giữ đất trồng lúa dù lời không nhiều là vì an ninh lương thực quốc gia, đóng góp an ninh lương thực quốc tế”.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phân tích thêm rằng, trước những biến động lớn trên thế giới thời gian qua, bao gồm cả đại dịch Covid-19, vấn đề an ninh lương thực đã trở nên vô cùng quan trọng. “Thành ra bất cứ giá nào trong quy hoạch sử dụng đất cũng phải tính đến an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng”, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở.

>> Một thương hiệu gạo Việt chính thức hiện diện tại thị trường khắt khe bậc nhất thế giới

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật