Là nông dân xuất sắc tỉnh An Giang, ông Lê Thanh Long có tổng diện tích 80ha sản xuất nông nghiệp. Mỗi năm, doanh thu đạt 8,91 tỷ đồng, lợi nhuận lên tới gần 5 tỷ đồng.
Khi đề cập đến đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại Diễn đàn Nông dân Quốc gia năm 2024 mới đây, ông Long cho rằng đề án giúp nông dân trồng lúa có cơ hội thay đổi phương thức sản xuất an toàn, hiệu quả, thân thiện với môi trường và có thu nhập cao hơn.
Kết quả của các mô hình thí điểm ở địa phương khiến những người nông dân như ông tự hào, mong muốn được tham gia trồng lúa giảm phát thải. Song, ông cũng hy vọng Bộ NN-PTNT, Hội Nông dân Việt Nam có chương trình để hỗ trợ nông dân trồng lúa giảm phát thải, bán tín chỉ carbon thành công.
Để yên tâm sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực, ông Hồ Bá Phiêu (TP Cần Thơ) cũng mong muốn lãnh đạo ngành nông nghiệp tạo điều kiện tốt nhất, hỗ trợ tối ưu nhất cho những người nông dân làm lúa diện tích lớn được tham gia trồng lúa giảm phát thải.
“Tôi cũng muốn được tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở ĐBSCL”, ông Phiêu bày tỏ.
Theo Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan, trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, chính người nông dân đã góp phần làm nên kỳ tích của ngành nông nghiệp, đưa Việt Nam từ một nước đói nghèo thành cường quốc xuất khẩu lương thực của thế giới, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực trong nước mà còn đóng góp vào hệ thống lương thực toàn cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan.
Ông tin tưởng bà con nông dân cũng chính là người sẽ định vị lại ngành nông nghiệp với những mô hình sản xuất mới.
Những năm qua, Bộ trưởng đã đi đến nhiều vùng miền, từ Tây Bắc, Đông Bắc đến ven biển, đồng bằng và nhận thấy có nhiều mô hình rất sáng tạo của nông dân, từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sạch và gần đây là nông nghiệp giảm phát thải, nông nghiệp thuận thiên tích hợp đa giá trị như lúa – cá, lúa – rươi – cáy…
Nhiệm vụ của Bộ NN-PTNT, Hội Nông dân Việt Nam là tổng kết từ mô hình thực tiễn thành bài học. Thực tiễn vốn sinh động, thay vì kéo thì chúng ta đẩy bà con lên bằng cơ chế chính sách, bằng tri thức hóa nông dân, kết nối thị trường.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp hướng đến mục tiêu mở ra nền kinh tế nông nghiệp giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu. Từ 1 triệu ha lúa ở ĐBSCL sẽ nhân ra cả nước, sau đó, từ lúa có thể chuyển sang ngành trồng trọt khác, rồi từ ngành trồng trọt đến ngành chăn nuôi, thủy sản.
Thực tế, trong ngành nông nghiệp hiện chỉ có lĩnh vực lâm nghiệp là hấp thu phát thải, còn những lĩnh vực khác đang có lượng phát thải lớn. Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao lâm nghiệp tiếp tục hấp thu phát thải tốt hơn còn các ngành khác giảm phát thải nhiều hơn.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp cũng là để định vị lại quy trình sản xuất lúa của Việt Nam, làm sao chi ít hơn để được nhiều hơn. Trong đề án có hướng dẫn cho bà con hiểu cách sản xuất đầu vào ít hơn, đầu ra cao hơn, đó là chất lượng hạt gạo được nâng cao, tuần hoàn được phế phẩm rơm rạ, tạo ra ngành kinh tế ngoài hạt lúa.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, không chỉ là tổ chức lại ngành kinh tế lúa gạo mà ông còn kỳ vọng tổ chức lại nông dân, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, lực lượng khuyến nông sẽ đồng hành cùng bà con trong sản xuất.
Vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong đề án này là rất lớn, là lực lượng nòng cốt để vận động bà con tham gia. Bộ sẽ phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ bà con cùng mặc màu áo của ngành nông nghiệp để định vị lại sản xuất, Bộ trưởng khẳng định.
Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL vẫn trong giai đoạn thí điểm. 12 tỉnh ĐBSCL đã có kế hoạch sản xuất theo đề án. Diện tích sản xuất đạt tín chỉ carbon sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới, bởi từ các mô hình thí điểm với quy trình sản xuất chuẩn, đạt kết quả tốt sẽ mở rộng ra các tỉnh. Theo kế hoạch, đến 2025 diện tích lúa giảm phát thải sẽ tăng lên 200.000 ha.
Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi đã phê duyệt tổng kinh phí 33,3 triệu USD và có thể tăng lên đến 40 triệu USD cho đề án. Bộ NN-PTNT và quỹ này đang trong quá trình bàn bạc thống nhất cách thức chuẩn bị triển khai thí điểm chi trả giảm phát thải khí nhà kính cho người trồng lúa.
>> Sẽ có gần 1.000 tỷ đồng chi trả tiền tín chỉ carbon lúa cho nông dân ở ĐBSCL