spot_img
29 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài Chính3 tuần sau siêu bão, người Mỹ vẫn đang trong cảnh khốn...

3 tuần sau siêu bão, người Mỹ vẫn đang trong cảnh khốn cùng: Gần trăm người mất tích, dân phải xếp hàng xin nước sạch

Dự kiến phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng nữa, hệ thống cấp nước mới có thể hoạt động trở lại bình thường.

Đã 3 tuần đã trôi qua kể từ ngày bão Helene đổ bộ vào Bắc Carolina (Mỹ), nhưng người dân ở đây vẫn đang phải đối mặt với loạt khó khăn chưa thể giải quyết. 

Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích và khôi phục cơ sở hạ tầng

Gần 90 người vẫn đang mất tích ở Bắc Carolina sau gần ba tuần kể từ khi cơn bão Helene mang theo lượng mưa lịch sử đổ bộ vào bang đông nam này.

Mặc dù đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc thông xe cộ trên các tuyến đường bị chia cắt và khôi phục hệ thống điện, nước, Sở An toàn Công cộng Bắc Carolina (North Carolina Department of Public Safety) cho biết rằng hiện vẫn còn 89 người chưa được tìm thấy. Trước đó không lâu, cơ quan báo cáo con số người mất tích là 92 người.

“Xin lưu ý rằng đây không phải là con số cuối cùng, bởi vì công việc của lực lượng đặc nhiệm phụ thuộc vào thông tin được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm báo cáo trực tiếp từ người dân, chính quyền địa phương, cơ quan thực thi pháp luật và các đối tác phi lợi nhuận”, Sở An toàn Công cộng Bắc Carolina cho biết.

Sở An toàn Công cộng Bắc Carolina và các cơ quan thực thi pháp luật vẫn tiếp tục nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn trong tuần này.

3 tuần sau siêu bão, người Mỹ vẫn đang trong cảnh khốn cùng: Gần trăm người mất tích, dân phải xếp hàng xin nước sạch- Ảnh 1.

Siêu bão Helene đã đi qua gần 1 tháng, vẫn còn 89 người được báo cáo là mất tích.

“Con đường phục hồi sẽ còn dài và chúng tôi sẽ đồng hành cùng miền tây Bắc Carolina trên từng bước đường”, Thống đốc Roy Cooper khẳng định.

Cơn bão Helene đã tàn phá vùng Carolinas và 4 bang khác, khiến hơn 230 người thiệt mạng. Riêng tại Bắc Carolina, đã có 95 trường hợp tử vong được xác nhận là do các tác động của cơn bão. Các quan chức cho biết phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến lũ lụt, sạt lở đất, va đập mạnh và xe cộ bị nước lũ cuốn trôi.  

3 tuần sau siêu bão, người Mỹ vẫn đang trong cảnh khốn cùng: Gần trăm người mất tích, dân phải xếp hàng xin nước sạch- Ảnh 2.

3 tuần sau siêu bão, người Mỹ vẫn đang trong cảnh khốn cùng: Gần trăm người mất tích, dân phải xếp hàng xin nước sạch- Ảnh 3.

3 tuần sau siêu bão, người Mỹ vẫn đang trong cảnh khốn cùng: Gần trăm người mất tích, dân phải xếp hàng xin nước sạch- Ảnh 4.

Siêu bão Helene cuối tháng 9 là một trong những cơn bão lớn nhất quét qua khu vực trong hàng chục năm

Không có nước sạch để dùng

Tình trạng thiếu nước trầm trọng cũng là 1 vấn nạn khác. Theo ước tính, có khoảng 90.000 đến 100.000 người ở Asheville – một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Helene – hiện vẫn không có nước sinh hoạt. Con số này chiếm hơn một nửa dân số sử dụng hệ thống nước của thành phố.

Nỗ lực khắc phục đang được triển khai hết công suất, nhưng dự kiến phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng nữa, hệ thống cấp nước mới có thể hoạt động trở lại bình thường.

Không chỉ gây vỡ đường ống, bão Helene còn khiến các hồ chứa nước bị nhiễm bùn đất nghiêm trọng. Thậm chí, ngay cả những tuyến ống dự phòng được chôn sâu 7 mét dưới lòng đất cũng bị cơn bão tàn phá. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân, kể cả những hộ gia đình đã có nước, nên xả nước trong 15 phút, đun sôi và lọc kỹ trước khi sử dụng.

Nhằm hỗ trợ người dân, chính quyền thành phố Asheville đã thiết lập nhiều Trạm Chăm sóc Cộng đồng, cung cấp vòi sen di động, dịch vụ giặt ủi, nhà vệ sinh di động và các tiện ích khác. Các nhóm tình nguyện cũng tích cực tham gia bằng cách lắp đặt hệ thống bơm lọc nước từ suối và vận chuyển nước sạch đến các khu vực bị ảnh hưởng.

3 tuần sau siêu bão, người Mỹ vẫn đang trong cảnh khốn cùng: Gần trăm người mất tích, dân phải xếp hàng xin nước sạch- Ảnh 5.

Người dân phải đi xếp hàng lấy nước dùng mỗi ngày.

Simon Eaton, một tình nguyện viên của nhóm Flush AVL, chia sẻ với tờ The Washington Post: “Mọi người mang theo nồi, chảo, trẻ em thì xách theo bình gallon, bất cứ thứ gì có thể đựng nước.” Nhóm của anh đã phân phát khoảng 300 bình nước không uống được ở các khu nhà ở xã hội và khu dân cư có thu nhập thấp trên khắp Asheville. Các bình nước này được dán mã QR để người dân có thể thông báo cho tình nguyện viên khi cần bổ sung. Eaton cho biết thêm: “Tình hình khó khăn này đã thúc đẩy sự sẻ chia trong cộng đồng. Tôi thực sự ấn tượng trước số lượng tổ chức phi lợi nhuận, các nhóm cứu trợ nhỏ và những người dân sẵn lòng chung tay giúp đỡ.”

Để đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố, Thống đốc Bắc Carolina Roy Cooper đã ký sắc lệnh huy động lực lượng công binh vào cuộc, đánh giá tình trạng hệ thống cấp nước, nhà máy xử lý nước thải và đập trên toàn tiểu bang. Các đội sửa chữa đang làm việc ngày đêm để khôi phục hệ thống cơ sở hạ tầng cấp nước cho khu vực.

Việc thiếu nước sạch cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực thiết yếu khác như nhà ở và giáo dục. Nhiều người thuê nhà cho biết họ vẫn bị yêu cầu trả tiền thuê nhà, mặc dù căn hộ của họ đã bị ngập lụt, ẩm mốc, không thể ở được. 

Các trường học trong khu vực đang tìm kiếm giải pháp để có thể mở cửa trở lại mà không cần đến nguồn nước máy, chẳng hạn như sử dụng nhà vệ sinh di động và khoan giếng để cung cấp nước sinh hoạt cơ bản.

Đối với một số người dân ở Asheville, việc nước máy được khôi phục là một bước tiến nhỏ hướng đến cuộc sống bình thường. Melinda Vetro, chủ tiệm bánh ngọt Old Europe Pastries ở trung tâm thành phố Asheville, cho biết nước máy tại cửa hàng của bà đã có trở lại vào thứ Hai. Bà nói với WLOS: “Chúng tôi là những người sống sót, đó là những gì tôi cảm nhận được. Chúng tôi đã tặng bánh sừng bò và cà phê miễn phí trong 18 ngày để động viên tinh thần mọi người.”

Nguồn: The Independent

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật