spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánCông ty chứng khoán của Trương Mỹ Lan giảm lỗ, cầm hơn...

Công ty chứng khoán của Trương Mỹ Lan giảm lỗ, cầm hơn 1.900 tỷ đồng tiền mặt

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) là “mắt xích” quan trọng giúp Trương Mỹ Lan lừa đảo hơn 35.000 nhà đầu tư. Hiện tại, doanh nghiệp không có nợ vay và cầm 1.922 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 47% tổng tài sản.

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với doanh thu hoạt động 20,2 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ (svck). Trong đó, tự doanh mang về 3,2 tỷ đồng (-90% svck); lãi margin đạt 8,9 tỷ đồng (+93% svck); môi giới ghi nhận 6,8 tỷ đồng (+11% svck); phần còn lại đến từ hoạt động khác. Sau khi trừ chi phí, công ty lỗ sau thuế 11,3 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng, TVSI ghi nhận doanh thu 132,9 tỷ đồng và lỗ sau thuế 33,4 tỷ đồng, cải thiện so với cùng kỳ lỗ 331,3 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán của Trương Mỹ Lan giảm lỗ, cầm hơn 1.900 tỷ đồng tiền mặt
Nguồn: Tổng hợp

Tại thời điểm ngày 30/9, quy mô tài sản là 4.061,2 tỷ đồng, tăng 33,7 tỷ đồng so với ngày đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền là 1.922 tỷ đồng (chiếm 47%); tiếp đến là tự doanh 1.745,9 tỷ đồng, chủ yếu là trái phiếu đã quá hạn thanh toán lãi và gốc, nhưng TVSI đánh giá vẫn có khả năng thu hồi nên chưa trích lập dự phòng. Về phía nguồn vốn, công ty có 809 tỷ đồng nợ phải trả nhưng không có nợ vay.

TVSI – “mắt xích” quan trọng giúp Trương Mỹ Lan lừa hơn 35.000 nhà đầu tư

TVSI có vốn điều lệ 2.639 tỷ đồng, trong đó Trương Mỹ Lan sở hữu 91,54% vốn điều lệ (do 6 cá nhân và 4 công ty đứng tên hộ). Đây chính là “mắt xích” quan trọng trong vụ Trương Mỹ Lan lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu cho 35.824 trái chủ vừa được mang ra xét xử trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2 vừa qua.

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tình trạng bị các cơ quan quản lý thanh tra, kiểm tra; nợ xấu kéo dài, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát gặp khó khăn trong việc xin cấp tín dụng từ SCB. Các nhân sự chủ chốt của SCB, TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty tổ chức phát hành trái phiếu đã họp bàn, lên phương án tạo lập trái phiếu. Việc phát hành, chào bán trái phiếu cho người dân được thực hiện qua TVSI và SCB với lãi suất cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm tại SCB.

4 công ty gồm An Đông, Quang Thuận, Sunny World, Setra được sử dụng để phát hành 25 mã trái phiếu khống, không có tài sản bảo đảm với tổng khối lượng 308 triệu trái phiếu. Các đối tượng đã lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần, trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty này và các công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, cũng như với các cá nhân hoặc công ty đối tác khác. Việc lập hợp đồng khống nhằm hợp thức hóa mục đích phát hành trái phiếu, làm nhà đầu tư tin rằng tiền mua trái phiếu được sử dụng để đầu tư vào các dự án sinh lời.

Công ty chứng khoán của Trương Mỹ Lan giảm lỗ, cầm hơn 1.900 tỷ đồng tiền mặt
Ảnh minh họa

TVSI được lựa chọn là đơn vị tư vấn, phát hành trái phiếu. TVSI có nhiệm vụ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, công bố thông tin, đại diện cho 4 công ty phát hành trái phiếu ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng với các trái chủ. Khi 4 công ty phát hành trái phiếu, một nhóm các công ty khác sẽ đứng ra mua trái phiếu với tư cách trái chủ sơ cấp. Việc thanh toán tiền mua trái phiếu thực chất chỉ là các bút toán khống, hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB. Từ đây, việc tạo lập các gói trái phiếu khống hoàn tất và sau đó được bán cho người dân thông qua TVSI và SCB.

SCB phối hợp với TVSI xây dựng kế hoạch, phương án, tài liệu đào tạo cho hơn 2.000 nhân viên bán hàng thuộc 239 chi nhánh SCB trên toàn quốc về sản phẩm trái phiếu và tư vấn bán trái phiếu của các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ra đại chúng.

Sau khi khách hàng đồng ý mua trái phiếu và ký kết hợp đồng với TVSI, dòng tiền huy động được từ hàng ngàn trái chủ về tới TVSI. TVSI sau đó sẽ chuyển tiền cho các công ty trái chủ sơ cấp hoặc các công ty mua lại trái phiếu từ trái chủ sơ cấp. Tiếp đó, các công ty này chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức trả tiền vay, mua cổ phần để các cá nhân rút tiền sử dụng cho các mục đích của Trương Mỹ Lan. Tiền thu được từ hoạt động bán trái phiếu không được sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho các trái chủ. Đến nay, còn dư nợ hơn 30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ và không có khả năng thu hồi.

Hiện tại, các tài khoản giao dịch của TVSI tại SCB đang bị phong tỏa, tài sản đảm bảo của 6 gói trái phiếu không liên quan vụ án cũng bị ngăn chặn giao dịch. Trong phiên xét xử đầu tháng 10, đại diện TVSI đã mong Hội đồng xét xử sớm giải tỏa kê biên để TVSI thực hiện nghĩa vụ thanh toán đối với các trái chủ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật