spot_img
31 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhTỉ giá "nổi sóng", có đáng lo?

Tỉ giá "nổi sóng", có đáng lo?

Từ đầu tháng 10 đến nay, giá USD ở các ngân hàng thương mại tăng khoảng 730 đồng, mức tăng khá mạnh trong chưa đầy 1 tháng

Ngày 25-10, tỉ giá trung tâm tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.255 đồng/USD, giảm 5 đồng so với một ngày trước. Đây là lần đầu tiên NHNN giảm tỉ giá trung tâm sau 8 phiên tăng liên tiếp.

Nhiều sức ép

Trong ngày, các NH thương mại bán giá USD phổ biến ở mức 25.467 đồng/USD, giảm khoảng 6 đồng so với hôm trước. Dù vậy, mức giá này đang tiệm cận vùng đỉnh hồi tháng 4 vừa qua. Tính từ đầu tháng 10 đến nay, giá USD ở các NH thương mại đã tăng khoảng 730 đồng/USD, tức gần 3%. Đây là mức tăng rất nhanh của tỉ giá sau một vài tháng hạ nhiệt ngắn ngủi.

Tỉ giá liên NH cũng tăng mạnh trong các ngày gần đây, đang ở vùng 25.200 đồng/USD, cách vùng đỉnh cũ hồi tháng 4 khoảng 1%.

Trong khi các doanh nghiệp lo lắng về tỉ giá tăng thì các chuyên gia cho rằng xu hướng này chỉ mang tính ngắn hạn Ảnh: LAM GIANG

Trong khi các doanh nghiệp lo lắng về tỉ giá tăng thì các chuyên gia cho rằng xu hướng này chỉ mang tính ngắn hạn .Ảnh: LAM GIANG

Theo các NH, tỉ giá tăng nhanh trong bối cảnh chỉ số đồng USD (DXY) trên thế giới phục hồi mạnh mẽ chỉ trong thời gian ngắn và đang duy trì ở mức 103,9 điểm, cao hơn khoảng 4,1% so với hồi đầu tháng 10. Đồng USD đang mạnh lên trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và giá vàng cùng lập đỉnh mới, những yếu tố này đang tạo ra áp lực mạnh lên tỉ giá trong nước.

Giá vàng thế giới có lúc leo lên mức cao nhất mọi thời đại – 2.747 USD/ounce, kéo giá vàng miếng SJC lên 89 triệu đồng/lượng, giá vàng nhẫn lập kỷ lục 89 triệu đồng/lượng. Vàng miếng SJC được các NH thương mại và Công ty SJC bán ra nhỏ giọt. Còn vàng nhẫn trở nên khan hiếm vì người dân không bán ra. Theo giới phân tích, điều này có thể dấy lên hiện tượng thu gom USD để nhập lậu vàng, gây áp lực lên tỉ giá VNĐ/USD.

Tuy vậy, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng sức ép từ nhập lậu vàng không lớn vì số lượng USD sử dụng vào việc này không nhiều. Nguyên nhân chính làm cho tỉ giá đi lên là do tình hình Trung Đông căng thẳng. Từ đó, giới đầu tư tài chính ngày càng tin tưởng vào đồng USD, giúp đồng tiền này tăng giá.

Mặt khác, do nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng, nguyên liệu sản xuất phục vụ xuất khẩu thường tăng mạnh vào thời điểm cuối năm nên cầu USD trở nên gia tăng làm cho tỉ giá tăng sốc.

Trước áp lực tỉ giá tăng nhanh, NHNN đã mở lại kênh phát hành tín phiếu để hút tiền về, nhằm giảm áp lực lên tỉ giá. Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank, cho biết chỉ trong vài phiên gần đây, NHNN đã phát hành tín phiếu hút ròng gần 34.000 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên NHNN kích hoạt hút tiền bằng công cụ tín phiếu sau hơn 5 tháng không sử dụng.

Tuy nhiên, lãi suất trúng thầu chỉ ở vùng 3,75% (cho kỳ hạn 14 ngày) và 4% (kỳ hạn 28 ngày) cho thấy định hướng nới lỏng của cơ quan quản lý. NHNN chưa cho thấy động thái muốn bán USD can thiệp trực tiếp thị trường. “Tỉ giá tăng trở lại trong ngắn hạn nhưng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, áp lực tỉ giá lần này sẽ không kéo dài. VNĐ sẽ sớm ổn định so với USD trong thời gian tới và NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế” – ông Nguyễn Thanh Lâm nói.

Chi phí nhích lên vì tỉ giá tăng

Theo ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải sản Hoàng Gia (TP HCM) – chuyên các loại hải sản cao cấp nhập khẩu, giá USD tăng chắc chắn ảnh hưởng đến kinh doanh mùa Tết vì khiến giá vốn tăng lên.

Với hàng hải sản giá cả quyết định quan trọng nhất là mùa vụ, nếu nghịch vụ giá sẽ cao hơn từ 20%-30% những thời điểm thông thường. “Dự kiến, Tết này cua hoàng đế (King Crab) xuất xứ Nga, nhập khẩu từ Hàn Quốc và cá bơn Hàn Quốc sẽ đắt hơn do tác động kép từ tỉ giá và hàng trái vụ” – ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, hiện tuyến đường bay từ châu Âu về Việt Nam đã ổn định trở lại sau khi tác động bởi xung đột quân sự ở Trung Đông trước đó nên hiện tại cua nâu, tôm hùm xanh từ Ireland vẫn về bình thường. “Năm nay, dự đoán tăng trưởng mùa Tết từ 5%-10%. Tuy nhiên, do đặc điểm hàng tươi sống chúng tôi nhập khẩu mỗi tuần, sát Tết vẫn nhập hàng nên biến số vẫn nhiều. Quan trọng nhất là phải linh hoạt ứng phó” – ông Trường nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa-Miliket, thông tin bộ phận mua hàng công ty vừa báo giá các loại nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là 2 nguyên liệu chính là bột mì và dầu chiên đang tăng. Lý do tăng giá do nguồn cung sản phẩm bị ảnh hưởng bởi xung đột chính trị một số khu vực trên thế giới, canh tác nông nghiệp không thuận lợi… Đáng nói, từ quý II/2024, giá các loại nguyên liệu này đã tăng mạnh, công ty buộc phải tăng giá bán một số sản phẩm lên 3%-5%. Tuy nhiên, trong năm 2024, người tiêu dùng vẫn “thắt lưng buộc bụng” nên song song với việc điều chỉnh giá, công ty phải triển khai các chương trình hỗ trợ nhà phân phối và các đại lý bán hàng. “Tỉ giá biến động mạnh trở lại sẽ làm gia tăng áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào đối với công ty tôi cũng như những công ty sản xuất lương thực, thực phẩm có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu” – ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Francis Lee, Trưởng đại diện Hiệp hội Táo Washington tại Việt Nam, lại nói tỉ giá tăng không ảnh hưởng nhiều đến vụ hàng Tết của táo Mỹ. Lý do tỉ giá biến động chưa quá lớn, phần vì cước vận chuyển tàu biển đã giảm mạnh, giúp giảm chi phí cho nhà nhập khẩu. “Hiện các nhà nhập khẩu đã chuẩn bị kỹ để phục vụ hàng Tết với sản lượng vài trăm container” – ông Lee cho biết.

Cũng theo ông Lee, hiện Việt Nam có rất nhiều táo nhập khẩu từ các nước nhưng táo Mỹ vẫn được người Việt ưa chuộng dù giá cao hơn chút ít. Lý do mùa Tết người tiêu dùng cần mẫu mã táo đẹp, đặc biệt là màu đỏ; táo màu xanh của Mỹ cũng được chuộng với màu tươi xanh, chuẩn màu.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích tỉ giá đi lên sẽ làm cho hàng hóa tăng giá, tác động đến lạm phát, ảnh hưởng không tốt đến kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, FED có thể giảm thêm lãi suất, đà tăng giá của đồng USD có thể khựng lại. Đồng thời, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối và giải ngân vốn FDI sẽ dồi dào. Khi đó, tỉ giá có thể bình ổn hơn, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa, kiểm soát tốt lạm phát. 

Biến động tỉ giá mang tính thời điểm

Ông Ngô Đăng Khoa – Giám đốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam – cho hay HSBC vẫn duy trì con số dự báo tỉ giá 24.800 đồng/USD vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ở một thời điểm nhất định tỉ giá sẽ biến động, các yếu tố đầu vào. Thị trường còn biến động nhiều vào cuối năm khi nhu cầu thanh toán cao, sự kiện bầu cử tại Mỹ hay căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Tuy nhiên, áp lực tỉ giá mang tính thời điểm nhiều hơn còn tổng thể nguồn cung trên thị trường không quá đáng lo vì Việt Nam vẫn có dòng tiền USD chảy vào ròng từ nhập siêu, kiều hối và giải ngân vốn FDI… “Điều hành của NHNN thời gian qua khá tốt, cả về yếu tố kỹ thuật lẫn trên phương diện ngoại giao. Trên thế giới, các đồng tiền khác biến động rất mạnh, trong khi VNĐ biến động chậm chứ không gây sốc, như trường hợp đồng yen Nhật một ngày thay đổi tới 5%-7%” – ông Ngô Đăng Khoa nói.

Ông Tim Leelahaphan – chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, NH Standard Chartered – cũng dự báo việc cắt giảm lãi suất của FED sẽ làm đồng USD yếu hơn trong vài quý tới. Qua đó, giúp tỉ giá hạ nhiệt còn khoảng 24.500 đồng vào cuối năm nay và khoảng 24.300 đồng/USD vào giữa năm sau.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật