spot_img
23 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpMasan lãi hơn 700 tỷ đồng trong quý III

Masan lãi hơn 700 tỷ đồng trong quý III

Lợi nhuận sau phân bổ cổ đông thiểu số đạt 701 tỷ đồng, cao hơn gần 1.400% cùng kỳ 2023, nhờ tăng trưởng mảng tiêu dùng bán lẻ, tiết kiệm chi phí lãi vay.

Con số nêu trong báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý III/2024, công bố sáng 24/10. Trong đó, đơn vị ghi nhận tăng trưởng tích cực ở hầu hết mảng kinh doanh. Đà tăng trưởng giúp đơn vị tự tin hơn với định hướng trở thành cái tên dẫn dắt thị trường tiêu dùng bán lẻ Việt Nam.

Lợi nhuận liên tục tăng trưởng

Doanh thu thuần của Masan Group đạt 21.487 tỷ đồng, tăng 6,6% so với mức 20.155 tỷ đồng cùng kỳ. Các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ tăng trưởng giúp đơn vị bù đắp lại hoạt động tái cấu trúc mảng gà trang trại của Masan MeatLife và hoạt động kinh doanh bị gián đoạn tạm thời của Masan High-Tech Materials.

EBITDA đạt 4.233 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Mức tăng được thúc đẩy bởi đà tăng trưởng lợi nhuận tích cực của tất cả các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ. Lợi nhuận sau phân bổ cổ đông thiểu số đạt 701 tỷ đồng. Con số này tăng gần 1.350% so với cùng kỳ. Báo cáo cho biết kết quả này đến từ khả năng sinh lời xuyên suốt các mảng kinh doanh tiêu dùng bán lẻ và 788 tỷ đồng cải thiện nhờ chi phí lãi vay ròng giảm, không phát sinh chi phí do biến động tỷ giá hối đoái.

Nổi bật trong kết quả kinh doanh này là việc WinCommerce (WCM) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 8.603 tỷ đồng trên toàn mạng lưới. Đóng góp phần lớn đến từ mô hình cửa hàng WIN phục vụ nhu cầu mua sắm của khu vực thành thị và WinMart+ Rural cho nông thôn. Hai mô hình này đạt mức tăng LFL lần lượt 12,5 và 11,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của WCM là 20 tỷ đồng, mức dương đầu tiên kể từ thời kỳ Covid-19.

Tính đến tháng 9, WCM có 3.733 cửa hàng, tăng 60 so với quý II/2024. Đơn vị cho biết sẽ đẩy mạnh mở cửa hàng mới dịp cuối năm.

Với Masan Consumer Corporation (MCH), doanh thu đạt 7.987 tỷ đồng, tăng 10,4%. Con số đến từ chiến lược cao cấp hóa được triển khai trong ngành hàng thực phẩm tiện lợi, gia vị và hoạt động đổi mới trong ngành hàng đồ uống, chăm sóc gia đình – cá nhân. Đơn vị duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức 46,8%, cao hơn 20 điểm cơ bản so với quý III/2023.

MCH cũng có chiến lược giảm xúc tiến thương mại để đầu tư vào các hoạt động có tỷ suất hoàn vốn (ROI) cao hơn như phát triển kênh mới và tiếp thị xây dựng thương hiệu, giúp tối ưu hóa chi phí hoạt động trên doanh thu thêm 70 điểm cơ bản.

Masan MEATLife (MML) ghi nhận mức tăng EBIT 43 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ ba liên tiếp MML báo cáo EBIT dương. Đóng góp vào kết quả này là doanh số mảng thịt chế biến tăng lên đồng thời được hưởng lợi từ giá thị trường thịt gà và thịt lợn cao hơn. Doanh thu mảng thịt bao gồm thịt lợn tươi, thịt gà và thịt chế biến tăng 13,6% so với cùng kỳ trong khi doanh thu mảng trang trại giảm 28,2% do đơn vị triển khai chiến lược tái cấu trúc mảng gà trang trại và tập trung hơn vào chuỗi giá trị cuối. Doanh thu đạt 1.936 tỷ đồng.

  • Người dùng mua thịt tại cửa hàng WinMart. Ảnh: Masan

Phúc Long Heritage ghi nhận doanh thu thuần tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 425 tỷ đồng, chủ yếu nhờ đóng góp từ 21 cửa hàng mới ngoài WCM được mở trong cùng quý. PLH hiện vận hành 174 cửa hàng trên toàn quốc.

Trong khi đó, Masan High-Tech Materials (MHT) ghi nhận EBIT giảm 117 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do nhu cầu thị trường thấp hơn, hoạt động doanh nghiệp bị gián đoạn do bão Yagi và kế hoạch bảo trì nhà máy.

Đánh giá về kết quả kinh doanh quý III/2024, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan cho biết WinCommerce và Masan MEATLife đang là động lực then chốt giúp tối đa hóa giá trị cho cổ đông. Xu hướng này sẽ nối dài khi doanh nghiệp tiếp tục thực hiện chiến lược trong trung hạn. Masan Consumer tiếp tục đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận hai con số và đang bước vào giai đoạn tăng tốc khi các xu hướng cao cấp hóa, đổi mới sản phẩm và tiêu dùng bên ngoài gia đình tăng lên.

Nhiều tiềm năng tăng trưởng

Kết quả kinh doanh tích cực cũng giúp Masan nối dài triển vọng phát triển trong tương lai. Báo cáo của SSI tháng 6 đưa ra dự báo khả quan về tiềm năng phát triển của tập đoàn, nâng dự báo doanh thu 2024 từ 84.000 lên gần 90.000 tỷ đồng.

Dự báo của SSI dựa trên những động thái tích cực tái cơ cấu tập trung vào hoạt động kinh doanh tiêu dùng cốt lõi. Trong đó, đơn vị nhận định WCM và MCH đều tăng trưởng nhanh và mang lại doanh thu cao. Đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục được duy trì sang 2025 nhờ tận dụng nền tảng bán lẻ (WCM) và khả năng phát triển, tung sản phẩm mới ra thị trường. Doanh thu có thể đạt được gần 100.000 tỷ đồng.

Nhìn trên bức tranh dài hạn, SSI cũng cho rằng Masan có thể là một đại diện cho câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng và bán lẻ của Việt Nam. Cổ phiếu MSN có tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại nếu Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

  • Người dùng mua thịt tại cửa hàng WinMart. Ảnh: Masan
  • Cửa hàng WinMart tại Phú Mỹ Hưng đông khách mua sắm. Ảnh: Masan

Trong đó, mảng hàng tiêu dùng có thương hiệu Masan Consumer liên tục ghi nhận những kết quả kinh doanh tích cực trong nhiều năm. Xét trên doanh thu 6 năm gần nhất (2017-2023), Masan Consumer duy trì mức tăng trưởng bình quân hai con số, đạt 13,5%. Biên lợi nhuận sau thuế trong cùng giai đoạn đạt mức tăng trưởng bình quân đến 20,3%. Con số này cao gấp đôi so với nhóm các doanh nghiệp đồng hạng trên thị trường khu vực (Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines). Cụ thể, tăng trưởng doanh thu bình quân của nhóm doanh nghiệp này đạt 6,4% còn biên lợi nhuận sau thuế đạt 11,6%.

“Với đà này, tôi tin rằng Masan sẽ tiến gần đến kế hoạch lợi nhuận sau thuế theo kịch bản tích cực là 2.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã và đang tập trung kết hợp toàn bộ nền tảng tiêu dùng bán lẻ của mình, hướng đến mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hợp nhất hai chữ số cho năm 2025”, người đứng đầu tập đoàn nêu.

Hoài Phương

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật