Zimbabwe vừa phải phá giá đồng nội tệ mới đưa vào lưu thông được 6 tháng. Động thái này cho thấy những thách thức mà quốc gia Nam Phi này phải đối mặt nhằm duy trì đồng nội tệ và giảm phụ thuộc vào đô la Mỹ. Trước đó, đồng tiền cũ mất giá khủng khiếp khiến người dân phải mang cả xe tiền chỉ để đi chợ.
Tháng 4 năm nay, ngân hàng trung ương Zimbabwe (RBZ) đã giới thiệu đồng ZiG được bảo đảm bằng vàng – viết tắt của Zimbabwe Gold. Cơ quan này kỳ vọng đây sẽ là một công cụ tiền tệ ổn định trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tiền tệ kéo dài trong nước.
Nhưng tới ngày 27/9, RBZ đã phá giá đồng ZiG 43%, đưa đồng tiền này từ mức 13,56 ZiG đổi 1 USD khi ra mắt xuống còn 24,4 ZiG/USD. Cuối tuần trước, đồng tiền này giảm xuống còn 27,68 ZiG/USD.
Ngân hàng buộc phải thực hiện động thái này sau khi khoảng cách giữa tỷ giá hối đoái chính thức và không chính thức của đồng ZiG quá cách biệt. Tỷ giá chính thức của đồng ZiG gấp khoảng hai lần tỷ giá trên thị trường chợ đen.
Do đó, nhiều doanh nghiệp và nhà bán lẻ giao dịch bằng đồng ZiG theo tỷ giá chính thức tuyên bố họ sẽ đóng các cửa hàng nếu chênh lệch tỷ giá không được giải quyết.
Kể từ năm 2009, Zimbabwe đã nỗ lực giới thiệu các loại tiền tệ mới khi siêu lạm phát khiến đồng đô la Zimbabwe, hay còn gọi là Zimdollar, rớt giá thảm hại. Chính phủ đã buộc phải tạm thời hủy bỏ đồng nội tệ và cho phép đồng đô la Mỹ vốn đã có mặt trên thị trường chợ đen được lưu thông hợp pháp.
Tuy vậy, chính quyền Zimbabwe vẫn đang nỗ lực “cai nghiện” đồng đô la Mỹ cho người dân vì đồng bạc xanh đã trở thành loại tiền tệ dự trữ đáng tin cậy nhất của họ.
Tháng 8, Bộ trưởng Thông tin Zimbabwe Jenfan Muswere cho biết chính phủ nước này đã phê duyệt lộ trình chuyển từ sử dụng đô la Mỹ sang ZiG trước năm 2030.
“Về các phương thức triển khai ZiG là đồng tiền pháp định để sử dụng trong nền kinh tế, chính phủ đã thông qua 1 lộ trình phi đô la hóa với khung thời gian cụ thể”, ông Muswere nói.
Zimbabwe cho biết lượng giao dịch bằng đô la Mỹ tại nước này đã giảm từ 85% xuống còn khoảng 70%. Các quan chức hy vọng nhiều người sẽ dần chấp nhận loại tiền này.
Nhưng khi ZiG tiếp tục trượt giá nhanh chóng, nhiều người dân tăng cường đổi tiền sang đô la Mỹ, làm tăng áp lực lên đồng nội tệ. Một số doanh nghiệp cũng không chấp nhận ZiG.
Theo Aljazeera