Theo Công ty Yên Mỹ, tháng 11/2023, dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy phép môi trường số 166/GP-UBND, trong đó đồng ý cho xả thải nước đã qua xử lý khi đạt các tiêu chuẩn theo quy định.
Tháng 5 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa có công văn xác nhận dự án đã hoàn thành hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục, đảm bảo về độ chính xác, chất lượng đường truyền báo cáo thông tin quan trắc về sở liên tục, tần suất 5 phút/lần.
Ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy, Công ty Yên Mỹ cho biết, dự án đã xây dựng hệ thống đường ống kín dẫn nước thải dài gần 4km tính từ trang trại của dự án đến điểm sau chân đập chính của hồ Khe Tre, xã Yên Mỹ theo đúng quy định.
Đây cũng là vị trí được chấp thuận cho xả thải theo Giấy phép môi trường số 166/GP-UBND nêu trên. Sau quy trình xử lý kỹ lưỡng qua 13 bể lọc trong khu vực dự án, nước xả thải của dự án đã được xử lý đạt tiêu chuẩn về nước thải chăn nuôi, đủ điều kiện xả thải ra môi trường.
“Như vậy, công ty đã có chứng nhận nước xả thải phù hợp quy chuẩn Việt Nam, được các cơ quan có thẩm quyền cho phép xả thải đúng quy định pháp luật tại các khu vực được cấp phép”, Công ty Yên Mỹ khẳng định.
Về hệ thống nước gom bề mặt tách biệt hoàn toàn với hệ thống xử lý nước thải, Công ty thông tin, quyết định số 937 của huyện Nông Cống ngày 25/04/2019 đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công tập trung quy mô công nghiệp tại xã Yên Mỹ.
Theo đó, dự án có hệ thống mương thu gom nước bề mặt hoàn toàn tách biệt với hệ thống xử lý nước thải nêu trên. Tất cả các điểm phát sinh nước thải, chất thải (từ văn phòng, kho, trung tâm thức ăn, khu vắt sữa, chuồng trại,…) đều được thu gom theo đường riêng chảy về khu xử lý nước thải của dự án, hoàn toàn độc lập với hệ thống thu gom nước mặt (nước mưa).
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hóa, hệ thống thu gom nước mặt là hệ thống độc lập riêng biệt, được thiết kế bằng bê tông cốt thép có khả năng chịu lực, trên hệ thống thu gom có thiết kế các hố ga để lưu giữ đất, đá cuốn theo nước mưa.
“Trong bài phản ánh của phóng viên, nước từ dự án chảy tràn ra môi trường là nước mặt (nước mưa) được thu gom tại dự án. Tại vị trí phóng viên đưa thông tin, hình ảnh là nơi hợp lưu của nhiều nguồn nước khác (ngoài dự án Yên Mỹ), trong đó có bao gồm nước thải sinh hoạt từ khu cư dân thượng nguồn”, Công ty Yên Mỹ giải thích.
Trước đó, UBND huyện Nông Cống có công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hoá nêu rõ kết quả phân tích mẫu nước ngày 13/06/2024 lấy từ hệ thống mương gom nước mặt của trang trại sau khi mưa lớn (thời điểm người dân phản ánh nước màu đen và có mùi hôi) để kiểm tra chất lượng nước để đánh giá.
Kết quả khẳng định, nước mưa chảy tràn sau hệ thống thu gom của trang trại không gây ô nhiễm khi so sánh với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
Cũng theo Công ty Yên Mỹ, sau khi nhận phản ánh của người dân, vào 15h ngày 28/10, Ông Nguyễn Lợi Đức – Bí thư Huyện ủy Nông Cống cùng các đại diện huyện Nông Cống, xã Yên Mỹ và Công ty đã trực tiếp kiểm tra hiện trường tại xã Yên Mỹ.
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra ghi nhận tại khu vực mương thoát nước phía sau dự án, người dân đã đổ bê tông bịt cống thoát nước mưa. Nước mưa tại đây bị tích tụ lại, có màu vàng đục của đất và không có mùi hôi như trong phản ánh.
Song, lãnh đạo huyện Yên Mỹ yêu cầu công ty rà soát lại quy trình vận hành để đảm bảo tránh xảy ra sai sót, đồng thời khuyến nghị xã Yên Mỹ cử người giám sát tại cống bị lấp khi trời mưa lớn để đảm bảo an toàn giao thông.
>> 21 học sinh nghi ngộ độc trà sữa: Bộ Y tế chỉ đạo khẩn