spot_img
29 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánĐèo Cả đề xuất cơ chế chưa có tiền lệ cho tuyến...

Đèo Cả đề xuất cơ chế chưa có tiền lệ cho tuyến đường sắt tốc độ cao gần 70 tỷ USD, Bộ GTVT nói gì?

Tập đoàn Đèo Cả đề xuất Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng và kinh tế đất nước.

Vào chiều ngày 3/10, trong cuộc họp với Thường trực Chính phủ, Tập đoàn Đèo Cả đã đề xuất với Thủ tướng cần có cơ chế để các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam nhanh chóng tự chủ trong việc đầu tư, sản xuất và thi công các công trình đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao như đường sắt, metro và giao thông thông minh. Đối với các dự án quy mô lớn, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp có năng lực quản trị đã có những sản phẩm thực tiễn, đồng thời đề xuất hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương có dự án đi qua.

“Thời gian qua, nhiều những đơn vị thi công các gói thầu lớn chưa có tiền lệ thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy sau năm 2025, nhân lực, máy móc, thiết bị của các doanh nghiệp sẽ tồn đọng. Do đó, trong việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao cần Nhà nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xây dựng này được tiếp cận và triển khai thực hiện góp phần xây dựng phát triển đất nước”, Chủ tịch Hồ Minh Hoàng kiến nghị.

Đèo Cả đề xuất cơ chế chưa có tiền lệ cho tuyến đường sắt tốc độ cao gần 70 tỷ USD, Bộ GTVT nói gì?
Các vị khách mời tham dự tọa đàm (từ trái sang): Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy

Theo đó, tại buổi tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức” vào chiều ngày 29/10, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ông Nguyễn Danh Huy đã giải thích rõ về việc xây dựng cơ chế để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào dự án đường sắt tốc độ cao. Ông cho biết, trong quá trình xây dựng đề án trình Bộ Chính trị và Trung ương, cũng như báo cáo khả thi mà Chính phủ sẽ trình Quốc hội, Bộ đã thiết lập các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa.

Cụ thể, Bộ yêu cầu tổng thầu phải ưu tiên sử dụng các dịch vụ và sản phẩm sản xuất trong nước. Đây là điều kiện tiên quyết cho các nhà thầu khi tham gia dự án. Ngoài ra, Bộ đề xuất giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc đặt hàng các công ty nội địa cung cấp các hạng mục, hàng hóa có thể sản xuất trong nước.

Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với các doanh nghiệp luyện kim, sản xuất thép và các đơn vị như Tổng Công ty Đường sắt để đánh giá khả năng sản xuất đầu máy, toa xe không chỉ phục vụ đường sắt tốc độ cao mà còn mở rộng ra hệ thống đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị.

Việc đầu tư làm chủ công nghệ cần được thực hiện hiệu quả, thận trọng và lựa chọn kỹ lưỡng các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất các tiền đề nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp trong nước tham gia dự án.

Theo đề xuất, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h, chiều dài khoảng 1.541km, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa. Tuyến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), đi qua 20 tỉnh, thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Tổng vốn đầu tư 67 tỷ USD, phân bổ trong 12 năm, mỗi năm trung bình khoảng 5,6 tỷ USD.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật