Quý III/2024, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM – UPCoM: VEA) ghi nhận doanh thu thuần 1.049 tỷ đồng và lãi gộp 149 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, VEAM có khoản lãi từ các công ty liên doanh, liên kết 1.500 tỷ đồng (tương ứng 50 tỷ đồng/ngày). Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận sau thuế là 1.667 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VEAM mang về 2.971 tỷ đồng doanh thu bán hàng và nhận nguồn lợi 4.366 tỷ đồng từ các công ty liên kết. Lợi nhuận sau thuế là 4.924 tỷ đồng.
Khoản lãi từ công ty liên kết đóng góp chủ yếu vào KQKD của VEAM |
VEAM là doanh nghiệp thuộc Bộ Công Thương với tỷ lệ sở hữu lên đến 88,47% cổ phần. Công ty “ngồi không” cũng hưởng lợi hàng nghìn tỷ đồng nhờ nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam, 20% cổ phần Toyota Việt Nam và 25% cổ phần Ford Việt Nam. Đáng chú ý, các khoản đầu tư vào 3 hãng xe này chỉ có giá gốc 1.022 tỷ đồng.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của công ty là 31.743 tỷ đồng, trong đó 19.471 tỷ đồng là tiền gửi hưởng lãi suất tại các ngân hàng (chiếm 61%). Ở phía nguồn vốn, vốn chủ sở hữu là 30.491 tỷ đồng, bao gồm lợi nhuận chưa phân phối lũy kế 17.008 tỷ đồng. VEAM có lịch sử trả cổ tức tiền mặt đều đặn, quanh mức 40% trong nhiều năm nay.
Nhiều “bất ổn” trong báo cáo tài chính và nội bộ doanh nghiệp
Đằng sau nguồn lợi nhuận khủng, VEAM cũng có không ít những bất ổn. Báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2024 của doanh nghiệp tồn đọng một loạt vấn đề bị kiểm toán lưu ý. Ví dụ: (1) khoản phải thu 46 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán; (2) hàng tồn kho tồn đọng, chậm luân chuyển tại Văn phòng Tổng Công ty, trị giá 72 tỷ đồng; (3) dự án Nhà máy sắt xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và Chi nhánh Bắc Kạn của Matexim đang để treo khoản chi phí chờ xử lý 466 tỷ đồng, bao gồm chi phí lãi vay, khấu hao và tiền thuê đất.
Hàng nghìn chiếc xe ô tô của VEAM nằm tại nhà máy ở Thanh Hóa chờ được “giải cứu” |
Hàng tồn kho có giá gốc là 1.764 tỷ đồng, nhưng đang phải trích lập giảm giá 518 tỷ đồng. Trong đó, không ít là hàng nghìn chiếc xe sản xuất từ năm 2017 trở về trước đang ế ẩm. VEAM đã nhiều lần rao bán đấu giá với giá “cắt lỗ” nhưng chưa thành công.
Công ty này còn nổi tiếng với nhiều đời Chủ tịch và CEO vướng vòng lao lý. Mới nhất, vào tháng 6/2024, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phan Phạm Hà – Tổng Giám đốc VEAM với tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Trước đó, ông Trần Ngọc Hà – nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm nguyên Tổng Giám đốc, và ông Lâm Chí Quang – nguyên Tổng Giám đốc, cùng các lãnh đạo và cựu lãnh đạo khác đã bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại VEAM vào năm 2019.