Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu có thể ước tính chính xác số ca tử vong sớm do ô nhiễm bếp gas.
Trong gần 50 năm qua, thế giới đã nhận thức được mối nguy hiểm của khí Nitrogen dioxide (NO2) phát ra từ bếp gas. Hiện nay, các nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học Sức khỏe của Đại học Jaume I ở Tây Ban Nha đã ước tính số ca tử vong hàng năm bằng cách liên kết các nghiên cứu sức khỏe hiện có với các chỉ số NO2 tại những gia đình ở châu Âu.
Họ phát hiện ra rằng ở 14 quốc gia châu Âu, các điều kiện nguy hiểm đã được tạo ra bên trong ngôi nhà khi khói từ bếp gas kết hợp với các yếu tố gây ô nhiễm môi trường xung quanh, phá vỡ các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Trở lại năm 1978, chúng ta lần đầu tiên biết rằng ô nhiễm Nitrogen dioxide cao hơn nhiều lần đối với bếp sử dụng gas so với bếp điện. Nhưng chỉ đến bây giờ chúng ta mới có thể đưa ra số lượng các trường hợp tử vong sớm (do bếp gas)” – tác giả chính của nghiên cứu mới, Tiến sĩ Juana Maria Delgado-Saborit, cho biết.
Khoảng 1/3 các ngôi nhà ở châu Âu nấu bằng gas và những ngôi nhà này có xu hướng có mức NO2 cao nhất. Italy, Ba Lan, Romania, Pháp và Anh ghi nhận tỷ lệ tử vong sớm do bếp gas cao nhất. Ô nhiễm tệ nhất ở những ngôi nhà có hệ thống thông gió kém và nấu ăn trong thời gian lâu hơn.
Chất lượng không khí trong nhà là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng vì người dân châu Âu dành hầu hết thời gian ở trong nhà, trong khi các tòa nhà ít có khí tươi hơn vì được thiết kế kín gió hơn.
Bếp gas cũng được phát hiện rò rỉ khí methane – một loại khí nhà kính mạnh, ngay cả khi bếp đã được tắt.
Đối với ô nhiễm bên ngoài, NASA đã ghi nhận giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm NO2 ở các thành phố châu Âu trong những thập kỷ gần đây nhờ những quy định hạn chế khí thải xe và công nghệ xe ô tô tiên tiến của EU.
Nghiên cứu này có thể là bước đột phá quan trọng về ảnh hưởng sức khỏe của con người khi nấu ăn bằng gas.