spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpĐường sắt Sài Gòn lãi kỷ lục

Đường sắt Sài Gòn lãi kỷ lục

Doanh thu lên mức cao nhất hơn 5 năm giúp Đường sắt Sài Gòn lập kỷ lục trong quý III với mức lãi hơn 49 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT) ghi nhận doanh thu hơn 563,5 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với quý III/2023. Giá vốn tăng chậm hơn giúp công ty có lãi gộp khoảng 91,5 tỷ đồng, thêm 5,5%.

Kỳ này, SRT tiết giảm được 28% chi phí tài chính, ghi nhận gần 7,2 tỷ đồng. Toàn bộ khoản này là lãi các khoản vay dự án đầu tư. Ngoài ra, họ cũng cắt được 21% chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong khi đó, chi phí bán hàng lại đội thêm 33%.

SRT cũng ghi nhận thêm 7,3 tỷ đồng thu nhập khác. Phần này chủ yếu là tiền phạt thu được từ phí trả vé.

Tổng lại, công ty lãi sau thuế gần 49,1 tỷ đồng, tăng khoảng 14,5% so với cùng kỳ. Đây là khoản lợi nhuận hàng quý cao nhất lịch sử hoạt động của doanh nghiệp.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, SRT có gần 1.645 tỷ doanh thu và gần 86,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 21% và 8% so với cùng kỳ năm trước. Công ty hoàn thành gần 90% chỉ tiêu doanh thu và vượt tới 8 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trước đó, ban lãnh đạo SRT lo ngại nền kinh tế và thu nhập người dân chưa phục hồi ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, lạm phát tăng, đẩy giá nhiên liệu lên cao. Do đó, họ đề ra kế hoạch kinh doanh rất thận trọng. Công ty còn cho rằng ngành đường sắt dễ bị cạnh tranh bởi các phương tiện khác, đặc biệt là hàng không, trong khi năng lực nội tại của ngành chưa có chuyển biến khả quan.

  • Hành khách trên chuyến tàu tại ga Sài Gòn, tháng 4/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Đường sắt Sài Gòn là một trong hai thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), bên cạnh Đường sắt Hà Nội (HRT). Họ quản lý các tuyến từ TP HCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn…

Trong quý III, HRT báo lãi hơn 35 tỷ đồng, giảm 35% do chi phí đội lên. Ngoài các chi phí do sửa chữa, nâng cấp toa xe hay chi phí nhân viên, doanh nghiệp này còn tốn hơn 2,5 tỷ đồng cho sửa chữa, khắc phục các công trình bị thiệt hại sau siêu bão Yagi.

Trước đây, cả HRT và SRT đều trải qua giai đoạn kinh doanh thua lỗ triền miên. Ngoài ảnh hưởng dịch bệnh, Đường sắt Hà Nội còn thừa nhận do tác phong phục vụ của nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu khách hàng, nhất là nhóm người lao động lớn tuổi, tồn tại hiện tượng “bao khách” và “bao hàng”, các đoàn tàu chưa có wifi. Trong khi đó, Đường sắt Sài Gòn nhìn nhận họ đưa ra giá vé cao, khó cạnh tranh, chất lượng phục vụ chưa đáp ứng yêu cầu khách hàng và phương tiện chuyên chở lạc hậu.

Cuối năm nay, HRT và SRT sẽ tiến tới hợp nhất. Đại hội cổ đông của Đường sắt Sài Gòn quyết định một cổ phiếu SRT sẽ nhận được hơn 0,855 cổ phiếu của đơn vị hợp nhất là Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt. Còn với HRT, một cổ phiếu sẽ quy đổi ra gần 1,1 đơn vị.

Tất Đạt

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật