Báo cáo tài chính mới đây cho thấy Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons ghi nhận doanh thu khoảng 2.033 tỷ đồng, tăng 37% so với quý III năm trước. Chiếm phần lớn là hợp đồng xây dựng với mức tích lũy thêm 33%. Trừ đi giá vốn, Ricons có 126 tỷ đồng lợi nhuận gộp, gấp gần 5 lần cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng thêm 82% lên 35,4 tỷ đồng. Trong khi lãi tiền gửi sụt giảm, phần tích lũy thêm nằm ở lãi chậm thanh toán.
Nhóm các chi phí cố định đều dày hơn cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi vay tăng 42% lên 7,1 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng cao hơn 44%, ghi nhận khoảng 50,5 tỷ đồng, chủ yếu do tăng dự phòng phải thu khó đòi.
Tổng lại, Ricons báo lãi 77,6 tỷ đồng. Con số này gấp 15 lần cùng kỳ 2023 và là mức lợi nhuận cao nhất kể từ quý I/2021, tức khoảng ba năm rưỡi qua.
Lũy kế 9 tháng, công ty này ghi nhận hơn 5.655 tỷ đồng doanh thu và hơn 118 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Doanh thu chỉ tăng 6,6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận cải thiện gần 62%. So với kế hoạch đề ra, công ty này hoàn thành 81% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần gấp đôi về lợi nhuận.
Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Ricons đạt gần 7.083 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi ngân hàng chiếm gần 1.926 tỷ đồng, tăng thêm 43%.
Ngoài ra, công ty còn gần 3.558 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn. Riêng khoản khó đòi ở Coteccons (CTD) vẫn giữ hơn 322 tỷ đồng. Ricons đã trích lập dự phòng gần 261 tỷ đồng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi, gấp 7 lần. Kỳ này, họ còn phát sinh thêm dự phòng 140 tỷ đồng cho các khoản phải thu dài hạn.
Hàng tồn kho của Ricons giảm hơn phân nửa về 371 tỷ đồng, toàn bộ là chi phí xây dựng công trình dở dang. Lớn nhất trong đó gồm nhà kho SLP Park Xuyên Á, sân bay Long Thành và công trình Golden Palace A – HH1.
Ricons đã hạ tổng nợ phải trả khoảng 16% về quanh 4.530 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính chiếm gần 398 tỷ đồng, giảm 35%. Toàn bộ đều là các khoản vay tại ngân hàng có thời hạn trả gốc không quá một năm.
Tất Đạt