Siegfried Marcus, nhà phát minh tiên phong người Áo, đã chế tạo và vận hành một phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ xăng bốn thì khoảng 10 – 15 năm trước khi Gottlieb Daimler, Wilhelm Maybach, và Carl Benz đưa những chiếc ô tô đầu tiên vào hoạt động. Trong khi bộ ba này được coi là những người khai sinh ra ô tô thì Marcus lại bị gạt sang một bên khi nói về lịch sử ô tô.
Thiên tài sáng tạo
Siegfried Marcus sinh ngày 18/9/1833, trong một gia đình Do Thái ở Malchin, phía Tây Bắc Berlin ngày nay. Năm 12 tuổi, ông bắt đầu học nghề cơ khí và làm việc tại một công ty kỹ thuật chuyên xây dựng đường dây điện báo 6 năm sau đó.
Năm 19 tuổi, ông chuyển đến Vienna, thủ đô của Áo, làm kỹ thuật viên tại Viện Vật lý của Trường Y. Một thời gian sau, ông trở thành trợ lý cho GS Carl Ludwig, một nhà sinh lý học. Năm 1860, ông bắt đầu kinh doanh, mở nhà máy sản xuất thiết bị cơ khí, điện và làm việc ở đây cho đến cuối đời.
Là nhà sáng tạo thiên tài, Marcus có được 131 bằng sáng chế được cấp từ 16 quốc gia, bao gồm những cải tiến như đèn điện, hệ thống đánh lửa từ tính và máy nổ. Đáng chú ý, ông đã lắp đặt chiếc chuông điện đầu tiên trong phòng ngủ của Hoàng hậu Áo Elisabeth và đảm nhận vai trò giảng viên vật lý cho Thái tử xấu số Rudolf.
Khoảng năm 1860, Marcus bắt tay vào chế tạo chiếc xe tự hành đầu tiên. Vào thời điểm đó, các vùng của Áo, nay là một phần của Ba Lan, đã bắt đầu sản xuất dầu. Từ quá trình tinh chế này đã tạo ra dầu hỏa, dầu bôi trơn và một sản phẩm phụ tình cờ: Xăng.
Marcus bắt đầu thử nghiệm xăng và phát hiện ra rằng, khi phân tán mịn trong không khí, nguyên liệu có thể bốc cháy bằng tia lửa điện, tạo ra năng lượng nổ. Bước đột phá này đã dẫn đến bộ chế hòa khí đầu tiên trên thế giới và ông cấp bằng sáng chế vào năm 1864.
Với chiếc xe đầu tiên của mình, Marcus đã gắn động cơ đốt trong 2 thì lên một chiếc xe bốn bánh thô sơ, nối nó với các bánh sau. Máy được khởi động bằng cách nhấc hai bánh sau lên khỏi mặt đất và quay chúng bằng tay. Sau đó, chiếc xe được hạ xuống và lăn bánh.
Tuy nhiên, Marcus đã tháo dỡ chiếc xe này vì nó quá thô kệch và chuyển hướng nỗ lực của mình vào việc cải tiến thiết kế. Chiếc xe thứ hai là một sáng tạo nổi bật với động cơ chạy bằng xăng, thiết kế bộ chế hòa khí mới và bộ đánh lửa nam châm. Nó được cho là đạt tốc độ tối đa 16km/giờ.
Marcus có thể cũng đã chế tạo chiếc xe thứ ba và thứ tư bằng cách cải tiến, kết hợp cơ cấu lái, phanh, bộ ly hợp và các tính năng cần thiết khác. Ngày nay, mô hình hai chiếc sau này không còn tồn tại. Tuy nhiên, chiếc xe thứ hai của ông vẫn còn nguyên vẹn, được bảo quản thuộc quyền sở hữu của Câu lạc bộ Ô tô Áo và được trưng bày tại Bảo tàng Kỹ thuật Vienna.
Nạn nhân của Đức Quốc xã
Năm 1898, Marcus qua đời, để lại di sản từng xác định ông là người sáng tạo ra ô tô. Tuy nhiên, vị trí xứng đáng của ông trong lịch sử đã bị lu mờ trong thời kỳ Đức sáp nhập Áo vào năm 1938. Là một người Do Thái, Marcus trở thành nạn nhân của những mưu đồ tuyên truyền hiểm độc của Đức Quốc xã.
Tên tuổi cùng các công trình của ông bị xóa bỏ một cách có hệ thống khỏi các tài liệu giáo khoa, đồng thời các đài tưởng niệm ông nơi công cộng cũng bị dỡ bỏ. Phần lớn họ đã thành công trong việc loại ông ra khỏi lịch sử, do đó ngày tháng chính xác cho những sáng tạo quan trọng của ông hiện vẫn khó xác định.
Vào tháng 7/1940, Bộ Tuyên truyền Đức đã gửi thư cho Ban giám đốc Công ty Ô tô Daimler-Benz-AG ở Stuttgart với nội dung, các nhà xuất bản của hai bộ bách khoa toàn thư quan trọng nhất của Đức, Meyers Lexikon và Grosse Brockhaus, đã được chỉ đạo xóa tên Siegfried Marcus với tư cách là nhà phát minh của ô tô, thay thế bằng tên của Gottlieb Daimler và Carl Benz.
Chế độ Đức Quốc xã còn ra lệnh phá hủy chiếc ô tô Marcus nguyên bản, khi ấy được trưng bày một cách đầy tự hào tại Câu lạc bộ Ô tô Vienna. May mắn là một số thành viên của Bảo tàng Thương mại và Công nghiệp Vienna đã lo xa, đặt chiếc máy này phía sau bức tường ở tầng hầm của bảo tàng. Nhờ vậy, chiếc ô tô này đã tồn tại cùng với một số ghi chép về phát minh ra nó.
Sau chiến tranh, một số người Đức và Áo đã nỗ lực đưa Siegfried Marcus trở về vị trí xứng đáng của ông trong lịch sử công nghệ. Năm 1949, nhà phát minh Mario Petrucci đã vận động dựng lại đài tưởng niệm Siegfried Marcus bị dỡ bỏ trong thời kỳ Đức Quốc xã ở nghĩa trang trung tâm của Vienna. Thị trưởng Vienna cũng đã khánh thành một tượng đài như vậy và giao cho chính quyền Vienna chăm sóc.
Không kể phát minh của Siegfried Marcus, thiết kế của Carl Benz được nhiều người xem là chiếc ô tô thực sự đầu tiên do nó sử dụng động cơ đốt trong, giúp nó trở nên thiết thực cho phương tiện di chuyển cá nhân và các yếu tố thiết kế của nó vẫn được sử dụng trong những chiếc xe hiện đại. Carl Benz đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một chiếc xe chạy bằng khí đốt vào ngày 29 tháng 1 năm 1886 và được cấp Bằng sáng chế số 37435. Bằng sáng chế này thường được coi là “giấy khai sinh” chính thức của ô tô.