Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã công bố báo cáo tài chính riêng năm 2023 được kiểm toán với lợi nhuận sau thuế giảm 43,4% so với năm 2022. Sự sụt giảm của lợi nhuận đến chủ yếu bởi biên lợi nhuận gộp và khoản lợi nhuận khác đều giảm mạnh.
Cụ thể, doanh thu VNPT (mẹ) năm 2023 đạt 34.847 tỷ đồng – giảm gần 5% so với năm trước. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp đã giảm từ 11% xuống còn 5,4% khiến cho lợi nhuận gộp của VNPT (mẹ) chỉ còn 1.867 tỷ đồng – giảm 2.161 tỷ đồng so với năm 2022.
Bên cạnh đó, thu nhập từ thanh lý tài sản, công cụ, dụng cụ (chủ yếu là thanh lý cáp đồng) đã giảm 750 tỷ đồng so với năm trước.
Do đó, VNPT (mẹ) đạt 2.930 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 2.347 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tại thời điểm cuối năm, tổng tài sản của VNPT (mẹ) đạt gần 87.500 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng chiếm tới gần 47.360 tỷ đồng – bằng 54% tổng tài sản. Số tiền hơn 1,8 tỷ đô la gửi ngân hàng giúp đem về gần 3.000 tỷ lãi tiền gửi, tương đương mỗi ngày VNPT (mẹ) nhận về 8 tỷ tiền lãi.
Ngày 31/12/20219, Bộ thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 21/2019/TT-BTTT quy định về thuyết minh doanh thu dịch vụ viễn thông. Sau đó, Bộ tài chính cũng ban hành công văn số 7370/BTC-QLKT ngày 18/6/2020 hướng dẫn ghi nhận doanh thu dịch vụ viễn thông và văn bản số 686/BT/QLKT ngày 19/1/2022 về việc hướng dẫn ghi nhận doanh thu dịch vụ viễn thông đối với thẻ viễn thông trả trước (thẻ cào, mã thẻ và tài khoản Eload)…
Theo đó, việc ghi nhận doanh thu dịch vụ viễn thông di động trả trước phải dựa trên dung lượng thực tế khách hàng sử dụng cho hoạt động viễn thông. Các DN phải thực hiện chuyển đổi từ phương pháp ghi nhận doanh thu tại thời điểm thu tiền bán thẻ trước sang phương pháp ghi nhận doanh thu theo dung lượng thực tế sử dụng không chậm hơn ngày 1/1/2023.
VNPT công bố báo cáo tài chính kiểm toán từ năm 2021.
Theo cách ghi nhận cũ, doanh thu của VNPT (mẹ) trong giai đoạn 2017 – 2021 nằm trong khoảng 40.000 – 42.230 tỷ đồng. Khi so sánh tương đương với báo cáo tài chính năm 2023, các báo cáo năm trước được trình bày lại đã ghi nhận mức doanh thu thấp hơn so với báo cáo cũ. Dù vậy, mức doanh thu của 2023 (đã điều chỉnh giảm gần 2.400 tỷ doanh thu kinh doanh dịch vụ viễn thông trả trước) vẫn là mức thấp nhất từ 2017 đến nay.
Trong số các khoản đầu tư tài chính dài hạn của VNPT (không tính công ty con), khoản lớn nhất là đầu tư vào Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB). VNPT là cổ đông sáng lập và cũng là cổ đông lớn nhất của MSB với số lượng cổ phiếu là 120.965.368 đơn vị (6,05%), giá gốc gần 580 tỷ đồng (tương đương giá trung bình 4.800 đồng/cp). Tại thời điểm 31/12/2023, giá trị hợp lý của khoản đầu tư này là 1.572 tỷ đồng (giá 13.000 đồng/cp), tức VNPT lãi 992 tỷ đồng nhưng chưa ghi nhận nếu chưa thoái vốn.
Sau nửa năm giao dịch, cổ phiếu MSB đóng cửa phiên 14/6/2024 tại mức giá 14.800 đồng – cao hơn 13,8% so với con số tại thời điểm cuối năm 2023.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán đầu tiên được công bố năm 2021, tại thời điểm 1/1/2021, VNPT sở hữu hơn 71,57 triệu cổ phiếu MSB với giá gốc gần 580 tỷ đồng, tức giá mua vào trung bình là 8.103 đồng/cp.
Trong hai năm 2021 và 2022, Ngân hàng MSB đều chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%/vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu MSB do VNPT nắm giữ cũng tăng lên thành 120,9 triệu cổ phiếu.
VNPT trong quá khứ đã nhiều lần muốn thoái vốn khỏi MSB. Tháng 11/2015, VNPT công bố bán đấu giá hơn 71,5 triệu cổ phần MSB với giá khởi điểm 11.700 đồng/cổ phần nhưng cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức vì chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham dự. Tháng 2/2017, VNPT tiếp tục muốn bán đấu giá lượng cổ phiếu này với giá 11.900 đồng/cp nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham dự.
Lần thứ 3, vào tháng 1/2018, VNPT muốn bán với giá khởi điểm 11.700 đồng/cp nhưng không thành vì chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký.