Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2024, Việt Nam nhập khẩu 208.338 tấn khí đốt hóa lỏng, tương đương gần 136,06 triệu USD, giảm 36,19% về lượng, giảm 25,26% về kim ngạch so với tháng 8/2024.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước nhập khẩu gần 2,39 triệu tấn khí đốt hóa lỏng, trị giá trên 1,54 tỷ USD, tăng 24,73% về lượng, tăng 33,79% về kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2023. Giá trung bình đạt 645,1 USD/tấn, tăng 7,26%.
Việt Nam vẫn nhập khẩu khí đốt hóa lỏng từ 3 thị trường Trung Đông là Qatar, U.A.E và Saudi Arabia.
Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Qatar đạt 506.499, tương đương trên 309,93 triệu USD, tăng mạnh 186% về lượng, tăng 173,19% về kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2023; chiếm 21,2% trong tổng lượng và chiếm 20,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của cả nước.
Riêng tháng 9, thị trường này cung cấp cho Việt Nam 115.799 tấn khí đốt hóa lỏng, tương đương hơn 72 triệu USD. Đây cũng là mức sản lượng cao nhất kể từ đầu năm.
Qatar là quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng lớn nhất thế giới, với tài nguyên chính là khí đốt trữ lượng hơn 25.000 tỉ m3, đứng thứ 3 thế giới; dầu mỏ với trữ lượng 25,24 tỉ thùng (đứng thứ 14 thế giới), sản lượng 1,53 triệu thùng/ngày. Qatar Energy là công ty dầu khí nhà nước của Qatar, chịu trách nhiệm quản lý tất cả các hoạt động dầu khí trong nước.
Trong chuyến thăm chính thức tới Qatar mởi đây, Thủ tướng cũng đã tới thăm quan khu liên hợp hóa dầu Ras Laffan được quản lý bởi Qatar Energy. Chuyến thăm thể hiện sự quan tâm của Việt Nam tới chủ đề năng lượng mới. Năng lượng là lĩnh vực thế mạnh của Qatar và Việt Nam có nhu cầu hợp tác.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị sớm đàm phán, ký kết văn kiện hợp tác về lĩnh vực năng lượng, dầu khí, phía Qatar và Công ty QatarEnergy tăng cường và duy trì đều đặn cung ứng cho Việt Nam các sản phẩm năng lượng như dầu thô, khí đốt, hóa chất, nhất là khí tự nhiên hóa lỏng để phục vụ bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt là hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để nâng cao khả năng tự chủ của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất điện khí; hợp tác triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, hydrogen…
Saudi Arabia là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2, đạt 297.447 tấn, tương đương trên 194,21 triệu USD, giá 652,9 USD/tấn, giảm 45,8% về lượng, giảm 38,97% về kim ngạch nhưng tăng 12,6% về giá, chiếm 12,5% trong tổng lượng và chiếm 12,6% trong tổng kim ngạch.
Đứng thứ 3 là thị trường U.A.E đạt 294.718 tấn, trị giá trên 187,19 triệu USD, giá 635,2 USD/tấn, giảm mạnh 30,46% về lượng, giảm 24,17% về kim ngạch nhưng tăng 9% về giá, chiếm 12,3% trong tổng lượng và chiếm 12,2% tổng kim ngạch.
LPG ở Việt Nam chủ yếu được dùng để chiết nạp vào bình chứa phục vụ cho nhu cầu dân sinh như sưởi ấm, nấu ăn, công nghiệp, sử dụng trong xe cộ, chất làm lạnh… Bên cạnh đó, các ứng dụng khác từ sản phẩm LPG hiện còn thấp như sử dụng trong công nghệ hóa dầu.
Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Do đó, giá bán lẻ gas trong nước bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới. Nhu cầu tiêu dùng LPG ngày càng lớn, trong khi nguồn cung tại chỗ chưa theo kịp, nhập khẩu LPG tiếp tục là giải pháp để bù đắp lượng thiếu hụt trong những năm tới.
Giá nhập khẩu tăng khiến giá gas bán lẻ tại thị trường trong nước tháng 11 tiếp tục tăng theo. Theo đó, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 11/2024 tại thị trường Hà Nội là 467.300 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.869.200 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt tăng 11.200 đồng/bình 12 kg và 44.900 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Tương tự như vậy, Công ty cổ phần kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South) cũng điều chỉnh tăng giá gas bán lẻ tháng 11 cho các nhãn hiệu Gas Dầu Khí, VT-Gas, A Gas, Đăk Gas, JP Gas, Đặng Phước Gas.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas bán lẻ trong nước có 7 lần tăng, 3 lần giảm giá và 1 lần không thay đổi.