spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếVì sao các nước BRICS đẩy nhanh tiến trình phi đô la...

Vì sao các nước BRICS đẩy nhanh tiến trình phi đô la hóa?

Một nghị sĩ cấp cao của Nga cho biết, các nước BRICS nỗ lực phi đô la hóa vì loại tiền tệ này đang được Mỹ sử dụng như một công cụ chính trị.

Theo đài RT, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin ngày 14/6 nói rằng Washington đã làm suy yếu vị thế của đồng USD trong vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu bằng cách sử dụng nó như một công cụ chính trị để áp đặt các biện pháp trừng phạt “bất hợp pháp” đối với Nga.

Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Sputnik
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin. Ảnh: Sputnik

Theo người đứng đầu Hạ viện Nga, chính lý do này đã khiến ngày càng nhiều quốc gia, đặc biệt là nhóm BRICS đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào đồng USD “càng sớm càng tốt”.

“Đồng USD ngày càng nguy hiểm đối với Moscow. Washington đã làm suy yếu hoàn toàn niềm tin vào đồng USD với vị thế đồng tiền dự trữ toàn cầu khi áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp đối với các tổ chức tài chính của chúng ta” – ông Volodin viết trên kênh Telegram hôm 14/6.

Ông Volodin cho biết, ngày càng nhiều nước trên thế giới chuyển hướng sử dụng đồng nội tệ thay thế đồng bạc xanh trong giao dịch thương mại. Theo Chủ tịch Hạ viện Nga, các nước thành viên BRICS đang nỗ lực thiết lập đồng tiền chung thay thế cho đồng USD vì không muốn trở thành “con tin” chính trị của Mỹ.

Nhà lập pháp Nga tiết lộ, kể từ năm 2022, tỷ lệ các loại tiền tệ từ các nước “không thân thiện” trong hoạt động xuất khẩu của Nga giảm 84,7% xuống còn 17,8%.

Theo ông Volodin, hơn 90% khoản thanh toán giữa Nga và các đối tác trong khối Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU) đã được thực hiện bằng đồng nội tệ. Ngoài ra, khoảng 95% hợp đồng thương mại Nga-Trung được thanh toán bằng đồng ruble và nhân dân tệ.

Nga đã đẩy mạnh nỗ lực thay thế đồng USD và euro trong thương mại nước ngoài trong bối cảnh bị phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh cấm vận liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Ông Volodin lưu ý thêm rằng việc phương Tây chặn Nga sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, phong tỏa 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối của Moscow sẽ khiến các quốc gia khác phải suy nghĩ về độ tin cậy của USD trong vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu hàng đầu.

Trong một diễn biến liên quan, Ngân hàng Trung ương Nga hôm 13/6 thông báo, tỷ giá hối đoái nhân dân tệ/ruble sẽ thiết lập quỹ đạo cho các cặp tiền tệ khác trên Sàn giao dịch chứng khoán Moscow (MOEX), bao gồm cả euro và đô la.

Tuyên bố này được đưa ra khi vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ khiến MOEX phải tạm dừng giao dịch bằng đồng USD và euro trong ngày 12/6.

Trước đó, hôm 12/6, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một loạt lệnh trừng phạt mới chống lại Nga, nhắm vào các ngành công nghiệp năng lượng, kim loại và khai thác mỏ, cũng như MOEX và các ngân hàng Sber và VTB.

Gói trừng phạt bổ sung của Washington cũng nhắm vào 300 cá nhân và thực thể ở Nga và các quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE),…với cáo buộc có liên quan “nền kinh tế chiến tranh” của Moscow.

Nhóm các nền kinh tế BRICS hiện đang dẫn đầu chương trình nghị sự phi USD hóa trên toàn cầu. BRICS thuyết phục các quốc gia đang phát triển loại bỏ đồng USD và giao dịch bằng đồng nội tệ để củng cố nền kinh tế bản địa.

BRICS hiện gồm 10 thành viên: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các nước thành viên đang xem xét việc hình thành đồng tiền chung BRICS để thay thế đồng USD.

Hiện tại, kế hoạch đầy tham vọng này đang có những tiến triển khi đồng tiền chung BRICS có thể sẵn sàng trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi tài chính toàn cầu vào năm 2024, theo trang Watcher.guru.

Trong tháng này, các thành viên BRICS là Nga và Iran tuyên bố sẽ bắt đầu sử dụng đồng tiền BRICS ngay trong ngày ra mắt và loại bỏ đồng USD trong giao dịch. Hiện cả Moscow và Tehran đều đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, vì vậy hai nước này mong muốn giảm phụ thuộc đồng USD.

>> G7 dần mất “sân chơi” vào tay BRICS?

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây