Đây là dấu hiệu đáng lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị cho khả năng leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Trong khi đó, các dữ liệu được đưa ra sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo về những rủi ro gia tăng đối với triển vọng kinh tế của châu Á từ sự phân mảnh thương mại, những khó khăn của ngành bất động sản Trung Quốc và khả năng thị trường tiếp tục biến động mạnh.
Dữ liệu sản xuất (PMI) được công bố hôm thứ Sáu (1/11) cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 10 đã suy giảm ở Nhật Bản và Hàn Quốc do nhu cầu trong nước yếu và tăng trưởng chậm lại ở các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại trong tháng 10 nhờ vào một loạt các biện pháp kích thích mà nước này triển khai để hỗ trợ nền kinh tế.
Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu Caixin/S&P đã tăng lên 50,3 vào tháng 10 từ mức 49,3 của tháng 9, vượt qua dự báo của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters là 49,7.
Dữ liệu chính thức từ Trung Quốc cũng cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã mở rộng lần đầu tiên kể từ tháng 4, là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang ổn định.
Krishna Srinivasan, Giám đốc Bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của IMF đã cảnh báo rằng rủi ro giảm phát đang gia tăng ở Trung Quốc và cần có thêm các bước để khắc phục những rắc rối của thị trường bất động sản và thúc đẩy tiêu dùng.
“Trung Quốc có tác động rất lớn đến những gì xảy ra ở châu Á…Khi Trung Quốc chậm lại, phần còn lại của châu Á cũng chậm lại”, ông cho biết.
Chỉ số PMI của Nhật Bản đã giảm xuống 49,2 vào tháng 10 từ mức 49,7 vào tháng 9, giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng do nhu cầu trong nước và nước ngoài suy yếu.
Chỉ số PMI của Hàn Quốc ghi nhận ở mức 48,3 vào tháng 10, không đổi so với tháng trước. Chỉ số PMI nằm dưới ngưỡng 50 cho thấy sự thu hẹp trong hoạt động sản xuất.
Dữ liệu cũng cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy trong tháng 10 cũng giảm ở Indonesia và Malaysia, trong khi lại tăng ở Việt Nam.