TAND Cấp cao tại TPHCM hôm nay mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 để xem xét kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan và 47 đồng phạm.
Trước đó, ngày 11/4, TAND TPHCM đã tuyên phạt bị cáo Lan mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt là tử hình.
Cho rằng mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên là “quá nặng nề” và “nghiêm khắc”, bà Lan đã kháng cáo toàn bộ bản án.
Tiếp đó, đến ngày 22/10, bà Lan có đơn kháng cáo bổ sung, đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh “Tham ô tài sản” và mức án tử hình áp dụng đối với bà. Theo bà Lan, bà chỉ có nhận thức chủ quan và hành vi khách quan duy nhất xuyên suốt từ 2012 đến 2022, nhưng do chính sách pháp luật thay đổi nên bà bị xét xử thành 2 tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, chứ không phải do bà có nhiều hành vi khác nhau.
Xin nhận được khoan hồng của Đảng, Nhà nước
Trong đơn, bà Lan trình bày về quá trình hình thành nên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Theo đó, từ năm 1975, mẹ bà là tiểu thương ở chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) chuyên kinh doanh tạp phẩm, thời trang, hàng tiêu dùng. Đến tháng 6/1992, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ra đời.
Ngoài ra, bà Lan còn trình bày, bản thân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện như xây tòa nhà Bệnh viện An Bình (quận 5); rồi khi dịch Covid-19, vợ chồng bà đã tài trợ thực phẩm và 25 triệu liều vắc xin cho người dân, xây dựng bệnh viện dã chiến…
Nói về Ngân hàng SCB, bà Lan trình bày, tháng 1/2012, khi bà cùng người thân, bạn bè tham gia vào hợp nhất SCB thì SCB có tổng tài sản là 145.000 tỷ đồng, trong đó tổng dư nợ phải trả lên tới 133.000 tỷ. Theo bà Lan, tuy ngân hàng hết sức khó khăn nhưng bà và cổ đông đã cho mượn tiền, tài sản và tập thể nhân viên SCB đã nỗ lực chèo lái ngân hàng này suốt 11 năm ổn định, không mất thanh khoản, không vay tái cấp vốn và không sử dụng kinh phí của Nhà nước.
Trong đơn, bà Lan viết, dù trong hoàn cảnh nào, suốt quá trình điều tra cho tới phiên tòa sơ thẩm, bà luôn tự nguyện mang hết tài sản của mình và phối hợp tích cực cùng SCB để khắc phục hậu quả, xử lý các dự án dở dang để thu hồi đúng giá trị cho SCB.
“Trong hành trình cuộc đời đầy bão giông, thật sự tôi không cam lòng, hàng đêm tôi luôn day dứt và tự hỏi: Vì sao tôi và gia đình lại lâm vào cảnh thế này?”, bà Lan viết.
Vì vậy, bà mong HĐXX và các cơ quan tố tụng xem xét thấu đáo và xét xử phù hợp với gia đình bà và một số cá nhân khác, để nhận được sự khách quan, công bằng, nhân đạo của pháp luật cũng như sự vị tha, khoan hồng của Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, bị cáo Lan cũng có đơn xin miễn hơn 673 tỷ đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
Cùng với bà Lan, chồng bà là ông Chu Lập Cơ và cháu gái Trương Huệ Vân cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. 45 bị cáo còn lại cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo.
Tuy nhiên, gần tới phiên phúc thẩm, một số bị cáo đã rút kháng cáo, trong đó có ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước). Ông Hưng bị cáo buộc đã nhận 390.000 USD từ bị cáo Đinh Văn Thành (Chủ tịch HĐQT SCB) và Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) để bao che cho sai phạm của ngân hàng này.
Với sai phạm này, ông Hưng bị TAND TPHCM tuyên phạt 11 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
>> Bà Trương Mỹ Lan sắp hầu tòa phúc thẩm trong vụ án tham ô 304.000 tỷ đồng của SCB