Ủy ban băn khoăn, Bộ vẫn muốn thông qua trong 1 kỳ họp
Bộ Công Thương vừa có báo cáo tiếp thu, giải trình Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thận trọng, khách quan, toàn diện. Ủy ban đề nghị thông qua luật tại hai kỳ họp (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đang diễn ra và thông qua tại kỳ họp sau).
Trong trường hợp phạm vi sửa đổi chỉ tập trung vào “những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ”, không cần thiết phải sửa đổi toàn diện luật; đồng thời, dự án luật được Chính phủ chuẩn bị tốt, giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp.
Báo cáo giải trình, Bộ Công Thương khẳng định dự thảo luật đã tập trung sửa đổi các nội dung đã chín, đã rõ và đã tập trung bổ sung các quy định còn thiếu để giải quyết các vấn đề cấp bách.
Theo Bộ Công Thương, các nội dung được đề xuất tại Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng bao gồm cả nội dung về năng lượng tái tạo, năng lượng mới đã được kiểm nghiệm trong thực tế nhiều năm.
Riêng đối với các nội dung mới như phát triển điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân, việc xây dựng nguyên tắc tại luật và giao xây dựng các văn bản quy định chi tiết là phù hợp với giai đoạn hiện nay, để có cơ sở triển khai từng bước và có những đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm tiến tới hoàn thiện các quy định tại Luật trong các giai đoạn tiếp theo.
Theo tổng sơ đồ điện 8 và tính toán của Bộ Công Thương, NSMO, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến đến năm 2030 công suất đỉnh hệ thống sẽ tăng thêm 40.000 MW, đạt 90.000MW so với thời điểm cuối năm 2024 (khoảng 50.000MW). Trong đó, miền Bắc cần 20.000MW, miền Nam 18.000MW, miền Trung 2.000MW.
Bộ Công Thương đánh giá đây là lượng công suất rất lớn, thời gian xây dựng các công trình điện lực kéo dài, thường tới 3-5 năm thi công. Vì vậy, cần có đạo luật mới được ban hành trong thời gian sớm nhất nhằm tháo gỡ về mặt thể chế hóa.
Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi về quy hoạch và đầu tư để sớm đưa các nguồn điện vào hệ thống điện; tạo điều kiện xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để đảm bảo an ninh năng lượng, dự kiến đối với nguồn điện cần khoảng 70-80 tỷ USD; bổ sung thể chế và có cơ chế để huy động các loại nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng hạt nhân.
“Với các căn cứ cấp bách như trên, Chính phủ đã có đề nghị Quốc hội thông qua 1 kỳ họp”, Bộ Công Thương giải trình.
Làm rõ về bao tiêu sản lượng điện
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, quy định tại điểm c khoản 8 Điều 5 về việc bên mua cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu, dài hạn về bản chất là bao tiêu sản lượng điện tối thiểu.
Ủy ban này lo ngại việc quy định như vậy là không phù hợp với nguyên tắc hoạt động của thị trường cạnh tranh được quy định tại khoản 1 Điều 60 dự thảo Luật “Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện lực” và quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 55-NQ/TW “kiên quyết loại bỏ mọi biểu hiện bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng”.
Bên cạnh đó, khi tham gia thị trường điện, nhà máy hoàn toàn có quyền chào giá cạnh tranh với các nhà máy điện khác để được huy động và phát sản lượng cao. Điều đó đảm bảo tối ưu các nguồn năng lượng có giá thành thấp như thủy điện trong việc điều hành hệ thống điện quốc gia.
Mặt khác, nếu bao tiêu sản lượng điện hợp đồng dài hạn với chủ đầu tư các dự án điện khí như quy định trong dự thảo luật thì bên mua điện, như EVN sẽ phải gánh một khoản chi phí rất lớn, ảnh hưởng đến cân đối tài chính của tập đoàn, đi ngược lại xu hướng của thị trường điện cạnh tranh.
Do đó, ủy ban này đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ nội dung trên.
Bộ Công Thương giải trình rằng: Khái niệm “sản lượng điện hợp đồng” trong thị trường điện không phải là sản lượng bao tiêu (vật lý) mà chỉ là sản lượng điện cam kết tài chính trong hợp đồng kỳ hạn điện, theo quy định thị trường điện hiện nay vẫn gọi là Qc.
Trong chủ trương và bối cảnh giảm dần nhiệt điện than, LNG là nguồn điện nền quan trọng điều tiết hệ thống. Đây là nguồn điện đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là cơ sở quan trọng để phát triển năng lượng tái tạo.
Theo Bộ Công Thương, đối với các nhà máy điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, việc quy định cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu, dài hạn là một chính sách để đảm bảo đầu tư trong dài hạn, quản lý rủi ro cho nhà đầu tư, cũng như giúp nhà đầu tư có thể vay vốn, huy động vốn để xây dựng, và có khả năng thu hồi chi phí để trả các khoản vay vốn đã đầu tư đối với các công trình điện.
Đặc biệt, nguồn điện khí thiên nhiên hóa lỏng có chi phí đầu tư và giá thành cao hơn mặt bằng chi phí của các nguồn điện khác, không thể cạnh tranh với các nguồn điện khác khi tham gia vào thị trường điện.
“Nếu không có cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu, dài hạn thì các nhà máy không thể phát điện, không thể thu hồi vốn. Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, các nhà đầu tư yêu cầu bên mua điện phải cam kết sản lượng điện hợp đồng tối thiểu, dài hạn để tính toán, xác định được dòng doanh thu ổn định, bảo đảm trả nợ của dự án”, Bộ Công Thương phân tích.
Theo Bộ Công Thương, điện hạt nhân là nguồn điện lớn, có khả năng chạy nền và cung cấp điện ổn định, đây cũng là nguồn điện xanh và bền vững. Do đó, việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân trong tương lai để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là cần thiết. Để có cơ sở thực hiện xây dựng và phát triển điện hạt nhân sau khi có chủ trương của cấp thẩm quyền, cần bổ sung chính sách về phát triển điện hạt nhân trong Luật Điện lực (sửa đổi). |
>> Sửa luật để giải quyết bất cập về giá điện sinh hoạt