Tháng 6/2024, giá cước tàu nhiều chuyến quốc tế đã tăng 100% so với 3 tháng trước đó. Trong đó giá cước tàu đi Mỹ tăng hơn gấp đôi. Giá cước một container 40 feet hồi tháng 3 là 2.900 USD, đến tháng 6 đã lên tới 7.300 USD, tăng hơn gấp 2 lần do thiếu container rỗng, ảnh hưởng cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đang diễn ra ở kênh đào Panama và những dấu hiệu leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Giá cước tàu biển tăng từng ngày
Sau đợt tăng giá vào đầu năm do khủng hoảng hàng hải ở vùng biển Đỏ, doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang đối diện đợt tăng giá cước vận tải biển mới. Các doanh nghiệp thông tin: giá cước một container chở đi Mỹ từ gần 3.000 USD nay tăng vọt lên gần 7.400 USD; phí mùa cao điểm mọi năm cao nhất khoảng 300 USD/container, nay hãng tàu báo tăng lên 1.000 USD/container…
Đại diện một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu thuỷ sản ở Cần Thơ cho biết chi phí vận chuyển hiện chiếm trên 15% giá thành sản phẩm. “Mới một tháng qua, đơn hàng công ty xuất đi Mỹ cước phí đã tăng 60 – 70% rồi. Hàng đông lạnh đi châu Âu còn tăng mạnh hơn. Cước tàu biển tăng từng ngày ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp”, doanh nghiệp này cho hay.
Nhiều doanh nghiệp lo lắng khi giá cước vận tải biến động mạnh, các hãng tàu chuyển sang báo giá theo tuần chứ không còn kéo dài như trước từ 15 ngày đến 1 tháng, khiến doanh nghiệp khó chủ động trong việc tính toán chi phí. “Một số đơn hàng đội giá lên cao, doanh nghiệp không còn lời lãi bao nhiêu” – một doanh nghiệp cho hay.
Ông Phan Đình Quân- Giám đốc Công ty TNHH tiếp vận EZ Shipping (Hà Nội) cho hay, nhiều doanh nghiệp trong ngành vận chuyển xuất khẩu nông sản đang bị “say sóng” vì các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU… đều phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.
Thực tế, từ năm 2021 đến nay, năm nào giá cước vận tải biển cũng có những biến động lớn ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn năm 2021, giá cước tàu biển tăng vì dịch Covid-19, và do thiếu container rỗng. Đến năm 2022, giá cước tăng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga và Ukraine. Và đầu năm 2024, giá cước vận tải biển chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng Biển Đỏ…
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết tình trạng giá cước tăng mạnh do những căng thẳng ở khu vực Biển Đỏ, các hãng tàu phải thay đổi lịch trình với thời gian kéo dài thêm từ 7-10 ngày. Điều này dẫn đến vòng quay của các tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn.
Một số tuyến vận tải thậm chí phải cắt bỏ một số chuyến hằng tuần dẫn đến thiếu chỗ. “Đây có thể là một thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại vùng Biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của ngành” – VASEP cảnh báo.
Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì?
Theo các doanh nghiệp logistics, nguyên nhân tác động giá cước từ ảnh hưởng cuộc khủng hoảng Biển Đỏ đang diễn ra ở kênh đào Panama và những dấu hiệu leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Hãng chuyển phát nhanh quốc tế DHL đã cảnh báo về rủi ro thiếu hụt container rỗng. Lý do là các hãng vận tải biển phải chuyển hướng tàu container đi theo các tuyến đường vận chuyển dài hơn để tránh Biển Đỏ kể từ khi phiến quân Houthi tiến hành các vụ tấn công nhằm vào tàu thương mại. Điều này cũng có nghĩa là container bị kẹt trên các đại dương trong thời gian lâu hơn, khiến lượng container rỗng sẵn có ở các cảng để đóng hàng bị thiếu hụt. Mức độ thiếu hụt container rỗng càng trầm trọng hơn khi thời tiết xấu ảnh hưởng đến các cảng ở Trung Quốc, Malaysia và Singapore.
Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, phân tích: Sự căng thẳng trên Biển Đỏ ảnh hưởng nhiều tới đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam bằng đường biển, nhất là các đơn hàng xuất đi châu Âu, bởi tất cả các đơn hàng đi châu Âu bằng đường biển đều đi qua kênh đào Suez trên Biển Đỏ. Đây là ảnh hưởng chung của hàng đi từ Á – Âu và ngược lại chứ không riêng gì hàng của Việt Nam. Tuy nhiên, với độ mở của nền kinh tế lớn như Việt Nam thì điều này tác động không nhỏ tới xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện tại, giá vận tải bằng đường biển đối với hàng xuất của Việt Nam sang châu Âu đã tăng bình quân 1 container hàng khô là từ 500-700 USD, với hàng lạnh là trên 1.000 USD. Trước đây, hàng đi châu Âu từ cảng Cái Mép hay Lạch Huyện của Việt Nam qua kênh đào Suez chỉ mất khoảng 20 ngày. Do xung đột trên Biển Đỏ, các tàu phải chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, khiến thời gian vận chuyển kéo dài thêm 10-14 ngày so với đi qua kênh đào Suez trước đây. Điều này đội chi phí vận tải lên cao, khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu giá cước cao hơn.
Để giảm bớt tác động chi phí vận tải, ông Hiệp cho rằng các doanh nghiệp phải tiết kiệm từng khâu để giảm chi phí. Trong trường hợp căng thẳng trên Biển Đỏ tiếp tục kéo dài thì có thể tận dụng Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á – Âu để vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam tới châu Âu.
Trong bối cảnh cảnh giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển đi các nước châu Âu và Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD đối với container 40’ trong tuần qua, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.
Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh được giao chủ trì, phối hợp với Chi cục Hàng hải tại Hải Phòng cùng các Cảng vụ Hàng hải tại TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng theo dõi số liệu thống kê về việc tăng/giảm giá, phụ thu ngoài giá đối với một số hãng tàu có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu và Mỹ, bao gồm: Maersk, MSC, CMA- CGM, ONE, Hapag-Lloyd, Evergreen, HMM, COSCO, Yang Ming, OOCL;
Đồng thời, chủ động làm việc với đại diện các hãng tàu trên tại Việt Nam và các đơn vị có liên quan để nắm bắt nguyên nhân tăng/giảm giá dịch vụ khi có dấu hiệu tăng/giảm mạnh và các vấn đề liên quan khác đến hãng tàu.
>> Giá cước tàu biển tăng 2-3 lần chỉ trong 3 tháng