spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có lẽ đã thoát...

Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có lẽ đã thoát suy thoái nếu ít người nghỉ ốm: Chủ doanh nghiệp đau đầu, Tesla phải đến tận nhà nhân viên kiểm tra đột xuất

Một nghiên cứu cho rằng nếu số ngày lao động nghỉ ốm ít đi thì kinh tế Đức có thể đã tránh khỏi suy thoái vào năm 2023.
Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có lẽ đã thoát suy thoái nếu ít người nghỉ ốm: Chủ doanh nghiệp đau đầu, Tesla phải đến tận nhà nhân viên kiểm tra đột xuất- Ảnh 1.

Tỷ lệ nghỉ ốm cao đang gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Đức và làm trầm trọng thêm những khó khăn kinh tế của nước này.

Đây là cảnh báo mới nhất từ các lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thứ 3 thế giới, tờ Financial Times đưa tin.

Techniker Krankenkasse (TK), nhà cung cấp bảo hiểm y tế công lớn nhất nước Đức, cho biết người lao động trung bình nghỉ làm 19,4 ngày vì bệnh tật vào năm 2023.

TK nói với tờ Financial Times (FT) rằng các số liệu sơ bộ cho thấy xu hướng này vẫn đang tiếp tục tăng. Điều này đặt ra những thách thức lớn hơn đối với nền kinh tế mà nhiều chuyên gia dự báo sẽ suy thoái trong năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2024.

Christopher Prinz, chuyên gia về việc làm tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), cho biết mặc dù rất khó để so sánh dữ liệu giữa các quốc gia nhưng Đức “chắc chắn nằm trong số những nước có tỷ lệ lao động nghỉ ốm cao”.

Vấn đề này đã làm dấy lên cuộc tranh luận về tương lai của mô hình kinh tế Đức. Giá năng lượng cao, thiếu lao động và quan liêu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Đức – nhân tố thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều thập kỷ.

Lãnh đạo một công ty sản xuất lớn phàn nàn về “sự không hoàn toàn sẵn lòng” của lao động, đặc biệt là ở một số lao động trẻ “lười làm việc”. “Và rồi người ta tự hỏi tại sao Đức lại là kẻ ‘ốm yếu’ của châu Âu”, ông nói.

Paul Niederstein là CEO của công ty thép Coatinc có khoảng 600 nhân viên tại Đức và 900 nhân viên ở những nơi khác, cho biết tỷ lệ vắng mặt cao là triệu chứng của lực lượng lao động đã trở nên “quá hư hỏng và quá tự tin”.

Một báo cáo do Hiệp hội doanh nghiệp nghiên cứu dược phẩm Đức (VFA) công bố tháng 1 cho thấy, nếu không phải vì số ngày nghỉ ốm cao hơn mức trung bình, kinh tế Đức có thể đã tăng 0,5% vào năm ngoái thay vì giảm 0,3%.

Tác giả của nghiên cứu Claus Michelsen cho biết tỷ lệ nghỉ ốm cao khiến tình trạng thiếu hụt lao động lành nghề thêm nghiêm trọng.

Tháng 9, ban lãnh đạo Tesla đã tìm cách giải quyết tỷ lệ nghỉ ốm cao bằng cách đột xuất đến nhà những nhân viên vắng mặt.

CEO Mercedes-Benz Ola Källenius gần đây nói rằng tình trạng nghỉ ốm tại nhà máy của hãng tại Đức đôi khi cao gấp đôi so với các quốc gia khác, mặc dù điều kiện giống nhau.

Tình trạng này được cho là do quy định y tế dễ dàng từ thời kỳ đại dịch, cho phép bệnh nhân nhận xác nhận bệnh từ bác sĩ qua điện thoại mà không cần đến khám trực tiếp.

Tháng 9, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner cho biết có “mối tương quan giữa chế độ nghỉ ốm hàng năm ở Đức và việc áp dụng chế độ trên”, đồng thời kêu gọi bãi bỏ quy định này. Tuy nhiên, Hiệp hội bác sĩ đa khoa Đức phản đối vì cho rằng nó giúp giảm tình trạng quan liêu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Nhưng ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, tỷ lệ nghỉ ốm ở Đức đã thuộc top cao nhất ở các nước phát triển.

Dữ liệu mới nhất của OECD cho thấy tỷ lệ của Đức là cao nhất trong nhóm các nước tiên tiến, với 22,4 ngày nghỉ ốm/năm vào năm 2022.

Ở Đức, tất cả lao động đều được phép nghỉ ốm 6 tuần một năm với mức lương đầy đủ. Nếu một nhân viên bị ốm trong kỳ nghỉ và có giấy xác nhận của bác sĩ, họ có thể yêu cầu hoàn lại những ngày nghỉ đó và sử dụng vào lần khác.

Thu nhập thực tế của lao động Đức cũng bị ảnh hưởng lớn hậu đại dịch, cú sốc năng lượng và lạm phát cao.

Mặc dù kinh tế Đức yếu, tiền lương tăng nhanh trong năm nay nhưng vẫn thấp hơn mức trước đại dịch sau khi điều chỉnh theo lạm phát.

Andreas Tautz, giám đốc y khoa của Tập đoàn DHL, nơi có khoảng 600.000 nhân viên trên toàn thế giới và 220.000 nhân viên tại Đức, nhấn mạnh rằng Đức “vẫn là một trong những quốc gia có năng suất lao động cao nhất trên thế giới”. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng năng suất không mấy tươi sáng khi đã có sự suy giảm vào năm ngoái.

Theo FT

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật