spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh Nghiệp'Đại bàng' Nhật Bản đưa Việt Nam lên bản đồ sản xuất...

‘Đại bàng’ Nhật Bản đưa Việt Nam lên bản đồ sản xuất ống kính thế giới, trở thành trung tâm lớn nhất toàn cầu

Tại Việt Nam, nhà máy sản xuất ống kính của tập đoàn này có tổng vốn đầu tư gần 27 triệu USD, được xây dựng trong một khu công nghiệp tại Hà Nội.

Nikkei cho biết, Tamron – nhà sản xuất ống kính lớn của Nhật Bản sẽ mở một nhà máy mới tại Việt Nam vào tháng 1/2025. Cơ sở tại Việt Nam được kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất lớn nhất của Tamron về sản lượng, nhằm tăng cường hiện diện sản xuất tại Đông Nam Á thay vì Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhà máy mới của Tamron với vốn đầu tư 4 tỷ yên (tương đương 26,75 triệu USD), là cơ sở thứ hai của hãng tại Việt Nam. Nhà máy được xây dựng trên diện tích 28.500m2 trong một khu công nghiệp tại Hà Nội, với khả năng thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất ống kính từ đúc, sơn đến lắp ráp. Dự kiến, nhà máy sẽ hoạt động đầy đủ với 1.500 công nhân vào năm 2028.

Tamron hiện đặt trụ sở chính tại thành phố Saitama, gần Tokyo, và sở hữu 2 nhà máy tại tỉnh Aomori (Nhật Bản), cùng với một nhà máy ở Hà Nội và một nhà máy tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Nhà máy tại Phật Sơn hiện đóng góp 65% tổng sản lượng của Tamron tính theo giá trị, trong khi nhà máy tại Hà Nội chiếm 25%. Khi nhà máy mới hoàn thành, Tamron dự kiến sẽ tăng tỷ lệ sản xuất tại Việt Nam lên 50% vào năm 2030, đồng thời giảm tỷ lệ sản xuất tại Trung Quốc xuống còn 40%.

Động thái này nhằm giảm thiểu rủi ro sản xuất tại Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Từ năm 2018, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các mức thuế bổ sung đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Chính quyền hiện tại của Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì nhiều chính sách này.

Với chính sách hiện hành của Mỹ, các ống kính thay thế chính của Tamron sản xuất tại Trung Quốc khi xuất khẩu sang Mỹ phải chịu mức thuế bổ sung 25%, bên cạnh thuế cơ bản 2,3%. Nếu chuyển sản xuất sang Việt Nam, Tamron có thể tránh được khoản thuế bổ sung này.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ kéo dài, nhiều ý kiến lo ngại rằng Washington có thể gia tăng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Để đối phó, Tamron đang có kế hoạch biến Việt Nam thành trung tâm xuất khẩu chính, trong khi nhà máy ở Phật Sơn sẽ tập trung phục vụ nhu cầu nội địa Trung Quốc.

Các nhà máy của Tamron tại Nhật Bản sẽ chủ yếu đảm nhận vai trò phát triển sản phẩm và công nghệ mới.

Tamron, thành lập năm 1950, là công ty sản xuất thiết bị quang học nổi tiếng thế giới, đặc biệt với các dòng ống kính máy ảnh. Các sản phẩm chính của hãng bao gồm nhiều loại ống kính đa dụng cho máy ảnh, từ ống kính zoom cho đến các ống kính chuyên dụng như macro và tele, phù hợp cho cả máy ảnh DSLR và mirrorless.

Ngoài sản xuất ống kính máy ảnh, Tamron còn phát triển thiết bị quang học công nghiệp như ống kính cho hệ thống giám sát, hệ thống tự động hóa nhà máy và thiết bị y tế.

>> Khu công nghệ cao TP. HCM đón nhà máy sản xuất quả lọc máu 570 triệu USD từ ông lớn Nhật Bản

'Đại bàng' Nhật Bản đưa Việt Nam lên bản đồ sản xuất ống kính thế giới, trở thành trung tâm lớn nhất toàn cầu
Nhà máy Tamron tại Việt Nam

Tamron đã đầu tư vào Việt Nam từ năm 2012 với việc thành lập Công ty TNHH Tamron Optical (Việt Nam), đặt tại Khu công nghiệp Nội Bài, Sóc Sơn, Hà Nội. Nhà máy này chuyên sản xuất các sản phẩm ống kính quang học như ống kính thay thế, ống kính máy ảnh kỹ thuật số và máy quay video kỹ thuật số.

Năm 2023, Tamron ghi nhận 52% doanh thu từ khu vực châu Á, chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. Chủ tịch Shogo Sakuraba cho biết, nhu cầu lớn đối với các sản phẩm như ống kính dùng trong thiết bị quay video phục vụ mạng xã hội tại Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.

Tamron hiện mở rộng danh mục sản phẩm, bao gồm các ống kính cho hệ thống an ninh, hệ thống tự động hóa nhà máy và các sản phẩm cao cấp dành cho ngành ô tô và thiết bị y tế. Công ty cho biết thế mạnh của mình là khả năng vận hành đồng bộ từ nghiên cứu, phát triển đến sản xuất và bán hàng. Trong năm tài chính 2023, Tamron đạt doanh thu 71,4 tỷ yên, tăng 12,6% so với năm trước.

Ông Shogo Sakuraba đảm nhận vai trò Chủ tịch từ tháng 8/2023 sau khi phát hiện hai người tiền nhiệm gần nhất sử dụng quỹ công ty không đúng mục đích. Ông cho biết rằng, dưới thời lãnh đạo trước đây, công ty đã gặp phải “rủi ro đạo đức” khiến nhân viên khó bày tỏ ý kiến với cấp trên.

Hiện tại, Tamron đang tăng cường quản trị doanh nghiệp bằng cách siết chặt kiểm soát chi tiêu của cả ban lãnh đạo và nhân viên, đồng thời cải thiện các chương trình đào tạo nội bộ.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật