spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánViettel Post (VTP) sẽ làm Công viên Logistics tại nơi cửa ngõ...

Viettel Post (VTP) sẽ làm Công viên Logistics tại nơi cửa ngõ với Trung Quốc, tham vọng dùng robot và kỹ sư đại học thay thế công nhân

Đứng trước làn sóng thương mại điện tử xuyên biên giới, Viettel Post quyết định đầu tư Công viên Logistics với đầy đủ dịch vụ từ vận chuyển đến xuất nhập khẩu. Dự án dùng robot và lao động trình độ cao thay cho công nhân.

Ngày 4/11, Tổng CTCP Bưu chính Viettel (HoSE: VTP) thông qua chủ trương đầu tư dự án Công viên Logistics Viettel tại Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn, nhằm kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ kho, vận tải hàng hóa nội địa và thương mại điện tử quốc tế.

Được biết, nơi đây là 1 trong 9 khu kinh tế cửa khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, là điểm trung chuyển trên bộ kết nối Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Toàn bộ khu kinh tế này rộng 394 km², gồm 2 phân khu: phi thuế quan và thuế quan. Hai cửa khẩu quan trọng nhất là cửa khẩu Hữu Nghị (đường bộ) và cửa khẩu Đồng Đăng (đường sắt). Được thành lập vào năm 2008, đến năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu tại đây đạt 41.101 triệu USD, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Lạng Sơn.

Viettel Post (VTP) sẽ làm Công viên Logistics tại nơi cửa ngõ với Trung Quốc, tham vọng dùng robot và kỹ sư đại học thay thế công nhân
Robot tự hành và đội ngũ lao động trình độ đại học sẽ thay thế công nhân phân loại hàng tại Viettel Post

Viettel Post từng chia sẻ tham vọng làm Công viên Logistics trong chiến lược phát triển đầu năm 2024. Nơi đây sẽ cung cấp toàn trình, đầy đủ các hệ thống từ kho thông minh, dịch vụ hải quan, và Viettel Post sẽ sử dụng kỹ sư có trình độ đại học để khai thác, thay vì dùng công nhân. Các công viên logistics có mức độ tự động hóa cao nhất, có thể giảm 60 – 70% nhân công nhờ áp dụng robot, cùng các tiêu chuẩn, tiêu chí, KPI phục vụ.

Hệ thống công viên logistics phục vụ được trong lĩnh vực nông nghiệp, khi cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics như công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ thông quan, kiểm hóa, kiểm dịch, mà kết quả sẽ được công nhận ở các quốc gia khác. Mạng lưới cũng sẽ giúp kết nối các vùng, miền nuôi trồng, các khu công nghiệp với các hub giao thông của đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, và các cửa khẩu.

Viettel Post cũng tiến hành đàm phán, hợp tác với chính quyền Nam Ninh – Trung Quốc về các cơ hội đầu tư logistics tại đây, như: đặt văn phòng, trung tâm logistics tại Nam Ninh; thúc đẩy hoạt động giao thương giữa 2 nước; tăng lưu lượng vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc; thành lập hiệp hội các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu logistics của Việt Nam – Trung Quốc để tối ưu chi phí và rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa giữa 2 nước.

Công ty đặt tham vọng Việt Nam sẽ trở thành trung tâm logistics kết nối 700 triệu dân ASEAN với thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc, và hoàn toàn có thể trở thành trung tâm logistics toàn cầu.

Viettel Post là công ty logistic đầu tiên tại Việt Nam triển khai công nghệ robot tự hành chia chọn hàng hóa (robot AGV), nhờ đó nâng mức độ tự động hóa trong khâu chia chọn hàng của Viettel Post lên 99%. Công ty chuyển phát hàng đầu này đã đạt công suất gần 2 triệu bưu kiện/ngày nhờ việc bổ sung thêm cơ sở phân loại Quang Minh vào cuối năm 2023, và rút ngắn thời gian giao hàng thêm tối đa 8 – 10 giờ so với những năm trước.

Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 19.588 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 380 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu đạt 15.049 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 252 tỷ đồng. Viettel Post đặt tham vọng đến năm 2028, doanh thu sẽ gấp 10 lần thời điểm cuối năm 2023.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật